Ngành da giày đón vận hội mới
Nguyên phụ liệu cho ngành Da giày: Loay hoay với nội địa hóa | |
Ngành da giày nhiều cơ hội phát triển |
Hiện nay, Việt Nam là một trong bốn nhà sản xuất giày dép lớn nhất về khối lượng trên thị trường thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil). Các sản phẩm giày dép trong nước đã được xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
DN da giày trong nước vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu |
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành Da giày là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, nhiều năm liền duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 15% - 18%. Từ năm 2016, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… lộ trình đến năm 2018 sẽ thực hiện việc xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 17% - 45% về 0%, sẽ giúp doanh nghiệp ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu.
Những dự báo khả quan như, thị trường Hoa Kỳ năm 2015, khi chưa có TPP đã đạt mức tăng trưởng đến 50%, với kim ngạch xuất khẩu giày dép túi xách gần 4,1 tỷ USD, chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, Hoa Kỳ đã vượt qua EU trở thành nhà nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam. Khi Hiệp định TPP thực thi, khả năng tăng trưởng càng nhiều. Thị trường EU khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu tăng 50% năm 2020 và lên 93% vào năm 2025.
Tuy có nhiều cơ hội trước mắt, song doanh nghiệp ngành da giày vẫn chịu áp lực lớn, bởi còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Thống kê từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 1,88 tỷ USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015). Nhưng số lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng không ít, với kim ngạch nhập khẩu (tính đến hết tháng 2/2016) là 594 triệu USD.
Hầu hết các nguyên liệu chính để sản xuất giày da đều phải nhập khẩu như da thuộc, giả da. Tỷ lệ nội địa hóa của nguyên liệu da thuộc, giả da hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, ngành da giày vẫn còn yếu điểm, khó khăn là nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu trang thiết bị kỹ thuật, thiếu cả bộ phận thiết kế mẫu mã. Sản phẩm xuất khẩu của ngành một mặt là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu làm hàng gia công, rất khó chủ động trong mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thế giới.
Theo ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, để có thể tận dụng hết lợi thế khách quan mà ngành dệt may và da giày sẽ có trong tương lai, doanh nghiệp ngay từ bây giờ phải tính đến bài toán chủ động nguồn nguyên phụ liệu.
Trước giờ Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều nhất từ Trung Quốc với giá rẻ, nhưng Trung Quốc không nằm trong các nước ký TPP, mà yêu cầu của TPP là xuất xứ hàng hóa bắt đầu từ sợi. Nếu doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Malaysia giá sẽ cao hơn, khiến chi phí đầu vào tăng, giá thành tăng, sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Trước những cơ hội và thách thức đó, Hiệp hội Da giày Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ngành Da giày 2016 vào cuối tháng 3/2016. Mục đích của hội nghị nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với các đối tác nước ngoài, các tập đoàn lớn trên thế giới ngay tại Việt Nam.
Hội nghị sẽ thảo luận về một mô hình nhà sản xuất giày dép trong thời gian tới sẽ như thế nào để đáp ứng hội nhập và kỳ vọng của khách hàng quốc tế, để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tự đánh giá được năng lực của mình và xây dựng chiến lược cho giai đoạn hội nhập sắp tới.