Ngành du lịch bứt phá từ 2017
Tín hiệu vui đầu năm | |
Ngành du lịch: Hợp tác để cùng phát triển |
Ảnh minh họa |
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên. Du lịch cũng tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Vì vậy, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Ước tính ngành du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 6,8%.
Hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng phát triển. Sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng. DN du lịch lớn mạnh về số lượng và chất lượng, tạo được thương hiệu uy tín ở trong nước và quốc tế như Vitravel, Saigontourist, Fiditourist…
Và Việt Nam đã hình thành một số địa bàn du lịch trọng điểm, thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khách quan nhận định, du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.
Bởi chất lượng dịch vụ du lịch yếu, môi trường an toàn thực phẩm và giao thông cho du lịch bất cập. DN du lịch chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, nên nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu ngày càng cao của ngành.
Đặc biệt, hiện nay du lịch chưa được xem là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao. Vì vậy, thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.
Trước những vấn đề này, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm, sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thật sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch. Song song phát triển du lịch quốc tế và du lịch nội địa.
Để hiện thực hóa những vấn đề này, Bộ văn hóa Thể thao Và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch (Quyết định số 4640/QĐBVTTDL, ban hành ngày 28/12/2016).
Theo đó, Tổng Cục Du lịch Việt Nam sẽ đưa ra 32 tiêu chí để đánh giá, tôn vinh và khuyến khích DN du lịch lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, hệ thống nhà hàng khách sạn lưu trú, địa danh, khu vực, vùng du lịch lớn… Tổng Cục Du lịch sẽ kiểm tra tất cả điểm đến du lịch trong nước và công bố kết quả hàng năm, nhằm đề cao những cải tiến về chất lượng dịch vụ du lịch.
Thông qua các tiêu chí đánh giá xếp loại du lịch (như tài nguyên du lịch, sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, sự hài lòng của khách hàng và công chúng tham gia trong ngành công nghiệp du lịch….) cho thấy, ngành du lịch đang hướng đến sự phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, là địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh với nhiều chương trình kích cầu thu hút du lịch trong và ngoài nước. Như năm 2017 này, du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch, gắn kết hàng không đường sắt và các DN lữ hành, nhằm mở ra nhiều lựa chọn cho du khách với những trải nghiệm độc đáo là đi hàng không về đường sắt.
Đặc biệt, năm nay, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn sẽ nâng cấp, cải tạo 37 toa tàu, đồng thời đóng mới 15 toa với đầy đủ nội thất tiện nghi để phục vụ du khách đi các tour nội địa. Ngoài ra, các DN du lịch lữ hành lớn của thành phố (Saigontourist, Vietravel, Bến Thành Tourist…) đang liên kết với nhiều hãng tàu du lịch năm sao lớn của thế giới để phân khúc du lịch cao cấp ngày càng đến gần với du khách Việt Nam hơn.
Điều này hướng đến một mặt thu hút khách du lịch quốc tế hạng sang chi tiêu tại Việt Nam, mặt khác tạo cơ hội để người dân Việt Nam thụ hưởng du lịch chất lượng cao theo xu hướng thế giới.
Điều đáng mừng với ngành du lịch là từ năm 2017, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các DN du lịch, xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch hay có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.