Ngành gỗ Việt bị “nhòm ngó”
Thách thức với xuất khẩu nhìn từ ngành gỗ | |
Công nghiệp phụ trợ ngành gỗ vẫn… chỉ là phụ |
Mới đây, CTCP Gỗ An Cường đã được 2 Quỹ đầu tư (VOF thuộc VinaCapital và công ty con của Tập đoàn KfW - Đức) rót 30 triệu USD để đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu, cũng như tăng trưởng các kế hoạch kinh doanh trong tương lai, bởi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của An Cường trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ nói riêng và tương lai của ngành gỗ Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, việc đầu tư dưới hình thức minh bạch và cùng nhau phát triển theo hình thức hợp tác hai bên cùng có lợi này tại các DN gỗ Việt Nam không nhiều. Mà thực tế, thời gian gần đây các DN trong ngành đang phải đối mặt với nguy cơ đáng lo ngại từ sự “lấn sân”, đầu tư theo kiểu chiếm lĩnh của các đối thủ cạnh tranh, chứ không phải từ cái bắt tay của những đối tác nước ngoài.
Các DN ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn |
Một số DN chế biến và xuất khẩu gỗ tại Bình Dương cho biết, thời gian qua không ít đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ của DN trong nước đã và đang bị các DN cùng ngành của Trung Quốc "nẫng" tay trên.
Từ trước đến nay, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu chính của gỗ Trung Quốc, và thời gian gần đây nhiều DN sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu của quốc gia này đã chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành lập DN có vốn FDI hoặc "đội lốt" DN trong nước, mang hàng hóa sang hoàn thành nốt công đoạn cuối, đóng hàng, gắn xuất xứ, lấy C/O xuất đi từ Việt Nam nhằm hợp thức hóa sản phẩm của mình.
Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương khẳng định, trong hơn 500 DN FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu gỗ tại Việt Nam, có đến 1/3 DN của Trung Quốc và Đài Loan. Mỗi năm, trung bình DN gỗ của Trung Quốc xuất 12 tỷ USD/năm sang Mỹ, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường nhiều tiềm năng này mới có khoảng hơn 2 tỷ USD/năm.
Vì vậy, dư địa để hàng hóa xuất đi từ Việt Nam vẫn còn rất nhiều, trong khi đó hiện sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Trung Quốc đang chịu mức thuế chống phá giá khá cao tại nước nhập khẩu. Hơn nữa, một chuyên gia về lĩnh vực này cũng phân tích rõ nguyên nhân, sở dĩ DN đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ Trung Quốc nhắm đến Việt Nam do được hưởng những ưu đãi với mức thuế 0% từ TPP (khi có hiệu lực) đem lại tại đây.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho rằng, việc đầu tư ồ ạt của DN Trung Quốc vào ngành gỗ tại Việt Nam không chỉ khiến các DN trong nước mất đơn hàng và chịu sự cạnh tranh khốc liệt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ các sản phẩm đồ gỗ sẽ phải đối mặt với việc bị kiện chống bán phá giá từ một số quốc gia như Mỹ, Nhật, EU do lượng hàng xuất khẩu tăng quá nhanh và có mức giá rẻ.
Rõ ràng, nếu so về lợi thế nguồn nguyên liệu và cách thức thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường thì các DN của Trung Quốc đang có lợi thế hơn hẳn so với DN của Việt Nam. Nếu không có biện pháp tự vệ, các DN sản xuất, chế biến gỗ trong nước sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo nhận định của chuyên gia, trước mắt các DN ngành gỗ Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh bằng năng lực quản trị, nâng cao chất lượng, mẫu mã, thiết kế sao cho phù hợp với từng thị trường để làm nên bản sắc riêng cho sản phẩm đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ của Việt Nam.
Đồng thời, để được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại FTA, TPP thì yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường, điều kiện lao động luôn được đặt ra, đòi hỏi các DN phải tuân thủ. Đây không phải là những yêu cầu dễ dàng để thực hiện trong bối cảnh nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất còn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu, cũng như không làm mất thị trường vào tay đối thủ cạnh tranh thì các DN trong ngành cần phải nỗ lực rất nhiều, cùng với chính sách hoạch định phù hợp của Chính phủ.