Người nước ngoài giữ VND lợi hơn USD
Sinh lợi tốt với tiền gửi kỳ hạn dài | |
Phụ nữ: Tay hòm chìa khóa thông minh | |
Gửi tiết kiệm, kênh đầu tư vẫn hấp dẫn |
Xét theo giá trị tuần thì tỷ giá USD/VND diễn biến khá ổn định. Tỷ giá ngân hàng giữ nguyên ở mức 22.700/22.770, trong khi tỷ giá tự do giảm nhẹ 30 đồng sát hơn với tỷ giá ngân hàng ở mức 22.770/22.790. Đáng chú ý, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm với tổng mức giảm 13 đồng từ 22.445 đồng xuống 22.432 đồng. Đây là một động thái rất kịp thời và phù hợp của NHNN nhằm chặn kỳ vọng tăng tỷ giá đã manh nha xuất hiện sau khi NHNN tăng tỷ giá mua vào USD.
So sánh nhiều yếu tố để lựa chọn kênh giữ tiền sao cho lợi nhất |
Điều kiện để kiểm soát tỷ giá trong nước vẫn khá thuận lợi khi trên thị trường thế giới đồng USD tiếp tục mất giá. Chỉ số USD Index giảm mạnh âm 1,36% xuống 93,86 điểm, mức thấp nhất 1 năm qua. Triển vọng đồng USD vẫn không mấy khả quan khi tín nhiệm của chính phủ Tổng thống Trump đang ở mức rất thấp. Đồng USD xuống thấp khiến giá vàng thế giới tăng 2,34% lên 1.248 USD/ounce. Trong khi đó giá vàng trong nước chỉ tăng nhẹ 0,17% lên 36.28/36.33 triệu đồng/lượng, giúp thu hẹp khoảng chênh lệch giá xuống 2 triệu đồng/lượng (5,7%).
Bối cảnh thế giới, thị trường vàng và sự nhanh nhạy của NHNN trong điều tiết thị trường đã giúp tỷ giá ổn định. Ổn định tỷ giá là một yếu tố quan trọng để tiếp tục kiên định với chính sách lãi suất USD bằng 0%. Với tỷ giá ổn định và lãi suất VND tương đối cao là 6-7%, việc nắm giữ đồng VND vẫn có lợi không chỉ với người Việt Nam mà cả với người nước ngoài hay Việt kiều chuyển kiều hối. Nắm giữ USD ở nước ngoài (giả định FED nâng lãi suất lên 1,25%) vẫn không có mức sinh lời cao bằng nắm giữ VND tại Việt Nam ngay cả khi đồng VND giảm giá 2%-3% trong vòng 1 năm tới. So với cùng kỳ 2016, tỷ giá VND/USD của ngân hàng cũng như thị trường tự do mới giảm 2%.
Bên cạnh chính sách lãi suất huy động USD bằng 0%, giới phân tích cho rằng có thể đưa ra những sản phẩm đặc biệt hướng đến các đối tượng đang lưỡng lự giữa giữ hay mang tiền vào Việt Nam. Trái phiếu đặc biệt huy động kiều hối với lãi suất cạnh tranh và kỳ hạn dài là một phương án. Huy động ngoại tệ để cấp tín dụng lãi suất thấp cho các DN xuất khẩu cũng là một hình thức kích thích kinh tế đúng chỗ do xuất khẩu đang là đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có những chính sách từ các cơ quản lý cũng như các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến ngoại tệ sẽ được các NHTM triển khai, tùy theo nhu cầu của mỗi người mà lựa chọn cho mình một hình thức giữ tiền. Có điều, như đã phân tích ở trên, giới chuyên môn luôn đánh giá giữ VND lợi hơn USD, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2017.