Nguồn nhân lực chất lượng cao: Thách thức lớn với DN Việt
Dân số vàng và cơ cấu lạc hậu | |
Áp lực lao động dệt may trong CMCN 4.0 |
Tại buổi ra mắt Hội đồng Tư vấn quốc tế và tổ chức đối thoại ngành diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Rick Smith, Giáo sư ngành Quản trị chiến lược tại Khoa Kinh doanh trường đại học Quản lý công lập Singapore (SMU) Lee Kong Chian, đã chỉ ra rằng các DN hiện đang phải đối mặt với thách thức về phát triển hệ thống nguồn nhân lực cả bên trong lẫn bên ngoài để đối mặt với sự cạnh tranh đang diễn ra mạnh mẽ.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành bại trong kinh doanh |
Trong đó, hệ thống bên ngoài liên quan đến các nhà cung cấp nhân tài, đối tác, khách hàng và các bên liên quan để tạo ra một hệ sinh thái nhằm xây dựng và nuôi dưỡng tài năng. Còn hệ thống bên trong bao gồm các cấu trúc, văn hoá, lãnh đạo và quản lý nhân tài để tạo ra nguồn nhân lực to lớn cho mỗi DN.
“Hiện nay, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự cạnh tranh trong lĩnh vực nhân lực cần một khả năng tạo ra các liên minh bên ngoài để tạo tác động và thách thức xây dựng văn hoá DN trong một môi trường kinh doanh phát triển. Chính vì vậy, nguồn nhân lực đang ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh, các phương pháp tiếp cận mới để mở đường cho sự thành công trong bối cảnh mới”, TS. Rick Smith phân tích.
Giáo sư Arnoud De Meyer, Hiệu trưởng SMU cho biết thêm, Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh trên thế giới, cải cách kinh tế và chính trị trong 30 năm qua đã làm thay đổi hình ảnh quốc gia một cách đáng kể. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 6,5% - 6,7% bằng cách thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư.
Khoảng 70% dân số Việt Nam đang trong độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhu cầu trong nước đang tăng mạnh và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng vẫn tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu lành mạnh. Để duy trì tăng trưởng dài hạn và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2035, sự phát triển về nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng.
Theo nhận định của một số chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt và có mức tăng trưởng ổn định trong vài năm qua. Bên cạnh triển vọng kinh tế khả quan, khả năng cạnh tranh và môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam là 55/136 quốc gia, tăng 20 bậc trong 5 năm qua.
Việt Nam hiện nay có dân số gần 95 triệu người, dân số trẻ với hơn 60% dưới 35 tuổi và mức thu nhập tăng lên nhanh chóng. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội, mà đồng thời còn tạo ra thách thức đối với nguồn nhân lực trong thời đại hội nhập và công nghệ số ngày một phát triển.
Nếu Việt Nam không tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực, chuyển từ lao động phổ thông lành nghề sang lao động có trình độ chuyên môn, tri thức cao thì chỉ thời gian không lâu nữa Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Báo cáo nhân sự tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 chỉ ra rằng, trình độ học vấn chuyên môn không đồng nghĩa với việc làm ổn định khi tại Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm người đã được đào tạo, có trình độ đại học tương đối cao. Điều này cho thấy cần phải nhìn nhận lại vấn đề đào tạo trong trường học và yêu cầu thực tiễn làm việc tại các DN, công ty.
Bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingrourp cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành bại trong kinh doanh của DN. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc đào tạo bài bản, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang được đặt ra như một vấn đề cấp bách với các cơ sở đào tạo cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đối với mỗi DN, ngoài quá trình đào tạo, đào tạo lại ngay tại chính nơi làm việc, thì phải luôn coi nguồn nhân lực như động lực thúc đẩy quá trình phát triển của mình.
Mới đây, SMU đã có sáng kiến thành lập Hội đồng Tư vấn quốc tế (IAC) bao gồm các nhà lãnh đạo DN nổi bật, để từ đó thúc đẩy việc trao đổi kiến thức giữa SMU và DN Việt, cũng như ở các quốc gia khác nhau. Hội đồng cung cấp một nền tảng để chia sẻ quan điểm về tăng trưởng và phát triển khu vực, đồng thời thảo luận về cách SMU có thể đóng góp và hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp ở quốc gia tương ứng. Được biết, Việt Nam là quốc gia thứ ba mà SMU ra mắt IAC. |