Nhà ở cho thuê: Đường xa vạn dặm
Nhà ở xã hội khó phát triển
Theo thống kê mới nhất, hiện có 33,1% dân số (khoảng 30 triệu người) đang sinh sống tại khu vực thành thị, trong đó có hàng triệu lao động từ nông thôn ra làm việc, kiếm sống tại các đô thị và khu công nghiệp. Họ là những người có thu nhập thấp và không có chỗ ở ổn định.
Ảnh minh họa |
Ths. Nguyễn Văn Quyền (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đưa ra một ví dụ cho thấy việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho lớp người này đang ngày càng trở nên bức thiết: Chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã có tới 875.000 công nhân lao động, trong đó 85,5% phải thuê nhà dân tự xây gần khu công nghiệp. Còn theo thống kê 21 tỉnh, thành phố có nhiều lao động ngoại tỉnh thì bình quân có 34,5% số công nhân lao động tự thuê nhà dân.
Một khảo sát khác của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội vào năm 2012 cho thấy bài toán nhà ở cho đối tượng lao động ngoại tỉnh dường như không có lời giải. Bởi có tới 2 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng và 62% là người ngoại tỉnh. Khoảng 96% trong số này phải bớt một phần lớn thu nhập trả cho chi phí nhà trọ.
Theo các chuyên gia và NĐT, tư tưởng phát triển nhà ở xã hội (NOXH) hướng tới làm sao để cho mọi người được sở hữu chỗ ở riêng là một chính sách đẹp, song nó lại thiếu thực tế và chỉ phục vụ được một nhóm các đối tượng đã có tích luỹ. Điều tra xã hội học trên địa bàn Hà Nội của TS. Tạ Quỳnh Hoa (Đại học Xây dựng) cho biết, một hộ gia đình thu nhập thấp cần tối thiểu 20 năm để hiện thực hoá việc sở hữu nhà ở.
Còn ông Đinh Đức Thắng (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) chỉ ra thực tế, người mua nhà thu nhập thấp vẫn phải có tiền để trả nên nhiều người không có đủ khả năng. “Tôi thấy việc Nhà nước bỏ tiền ra để người nghèo có sở hữu nhà thì sẽ không thành công, bởi sẽ chỉ đáp ứng được 1 người trong 100 người có nhu cầu. Nguồn lực chúng ta có hạn mà người có nhu cầu ở lớn, bởi vậy phải phát triển mô hình nhà ở cho thuê”, ông Thắng nói.
Nhà cho thuê cũng không dễ
Chính sách phát triển nhà ở cho thuê không phải là chưa từng được đề cập. Ở cấp địa phương, nhiều nơi đã thiết kế mô hình chính sách khá ưu đãi cho lĩnh vực này. Rất nhiều NĐT cũng đều đồng tình với quan điểm phát triển nhà cho thuê, nhưng ngay chính họ cũng không tham gia mảng thị trường này. Kể cả ở những địa phương chính quyền mở rộng cửa đón NĐT vào lĩnh vực này với nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn trong cảnh “mỏi mắt trông chờ”.
Như tại Đà Nẵng, mặc dù nhu cầu về nhà ở cho công nhân ở 7 khu công nghiệp lên tới 70.000 người và chính quyền thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích như giao đất sạch, giao đất không thu tiền, hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ hạ tầng… nhưng đến nay vẫn chưa có NĐT nào tham gia. Bài toán mà ngay chính các NĐT cũng không có lời giải khi tính chuyện tận dụng chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở cho thuê là “sự hợp lý” về cung ứng sản phẩm với hiệu quả kinh doanh.
TS. Hoa làm phép tính, với lương trung bình của người lao động Việt Nam khoảng 3,8 triệu đồng/người/tháng, chi phí dành cho thuê nhà khoảng 30% lương tương đương với 1,14 triệu đồng, như vậy, giá cho thuê chỉ có thể trong khoảng từ 0,7 - 1 triệu đồng/tháng/hộ. Sản phẩm NOXH nào giá cao hơn sẽ khó thâm nhập thị trường. Nhưng hiện chẳng có giải pháp nào để NĐT có thể phát triển các dự án “ăn khách” lại ở mức giá cho thuê đó.
Vốn lớn, lợi nhuận không cao, mất từ 10 - 15 năm mới thu hồi, nhiều rủi ro là những yếu tố chính cản chân NĐT. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam còn chỉ ra một rủi ro khác khiến các DN chùn chân, đó là sự chây ì, không trả tiền thuê nhà của người thuê. Thậm chí đã có một thời kỳ cho thuê coi như là… mất nhà. “ Đây là một việc khó, phức tạp, không thể giải quyết trong vài năm”, ông Trần Ngọc Hùng nhìn nhận về việc phát triển nhà cho thuê.
Vì thế, theo ông, Nhà nước phải xắn tay vào làm và huy động nguồn lực toàn xã hội, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó Nhà nước và DNNN phải giữ vai trò chủ đạo. Thậm chí ông Hùng còn cho rằng cần ban hành một luật riêng về nhà ở cho thuê, trong đó phải điều chỉnh toàn bộ các vấn đề tồn tại hiện nay cũng như trong quá khứ. Đặc biệt là phải bảo vệ người có nhà cho thuê không để xảy ra tình trạng như trước đây.
Từ thực trạng của Hà Nội, TS. Quỳnh Hoa cho rằng, cần ban hành và thực hiện chính sách miễn giảm thuế và các ưu đãi toàn diện khác để khuyến khích đầu tư và phát triển quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, cần thành lập riêng quỹ nhà địa phương chuyên dành cho thuê, thuê mua. Nguồn tài chính quỹ đa dạng song chủ yếu được tạo lập từ nguồn ngân sách, nguồn kinh phí tái định cư, nguồn trích từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản công, các nguồn thu khác.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhìn nhận: “Nhà ở cho thuê là lối thoát duy nhất cho người nghèo thu nhập thấp dưới 8 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, mong ước này xem ra vẫn còn xa không riêng người dân khi chỉ có một dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị, từ năm 2012 đến nay Bộ Xây dựng đã dự thảo, lấy ý kiến đến lần thứ 7 vẫn chưa được ban hành.