Nhà quản trị nguồn nhân lực sẽ định hướng gì trong thời đại số?
Phát triển nguồn nhân lực số: Nhân tố tiên quyết cho cuộc cách mạng công nghệ |
Bà Nicole Wakefield - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Hoạt động của PwC tại khu vực Đông Nam Á trao đổi với các lãnh đạo nhân sự tại Tp. Hồ Chí Minh |
77% người lao động đã sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới
Theo một báo cáo do PwC vừa công bố dựa trên một cuộc khảo sát hơn 22.000 người tại 11 nền kinh tế, tốc độ thay đổi của công nghệ đang khiến cho người lao động trên toàn cầu phải tập thích ứng. Phần lớn người lao động được khảo sát (61%) có thái độ tích cực đối với những ảnh hưởng của công nghệ lên công việc hàng ngày của họ, và 77% người lao động đã sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới ngay từ bây giờ hoặc muốn được đào tạo lại hoàn toàn để cải thiện khả năng tìm được việc làm trong tương lai.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà họ nhận được từ các đơn vị sử dụng lao động còn chưa tương xứng. Đây là nhận định chung của các chuyên gia PwC đến từ khu vực Đông Nam Á tại buổi thảo luận bàn tròn vừa được tổ chức với các nhà quản lý nhân sự Việt Nam.
Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có những động thái cần thiết để phát triển hoặc tuyển dụng thêm những nhân tài có năng lực phù hợp cho tương lai, ví dụ như thông qua việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định liên quan đến nguồn nhân lực, hay tạo điều kiện cho nhân viên có được những trải nghiệm làm việc thú vị.
Các kết quả từ báo cáo của PwC mang tên “Chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai ngay từ bây giờ” cũng đã chứng minh cho các nhận định trên. Bản báo cáo năm 2018 chỉ ra rằng có hơn 70% người được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á nhận thấy việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để ra quyết định nhân sự là hết sức cần thiết, nhưng chỉ có 34% người trả lời sử dụng những công cụ này trong thực tế. Trong khi đó, 68% người được khảo sát trong khu vực nhận thấy việc luân chuyển nhân sự là cần thiết, nhưng chỉ có 44% đã thiết lập các chương trình luân chuyển nhân sự hay hợp tác hiệu quả để tận dụng tối đa nguồn nhân lực quốc tế.
Bà Nicole Wakefield, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Hoạt động của PwC tại khu vực Đông Nam Á cho biết: Tại mọi khu vực trên thế giới, nguồn nhân lực tương lai sẽ dựa trên nền tảng là những người lao động có kỹ năng cao. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong tư duy của người lao động và người sử dụng lao động, những khái niệm như “công việc” hay “vai trò” sẽ giảm phần quan trọng. Thay vào đó, họ nên chú trọng đến những bộ kỹ năng mà họ đang có hoặc cần có trong thời đại kỹ thuật số. Những bộ kỹ năng thiết yếu này chính là tài sản quan trọng nhất để giúp họ thành công.
“Một nhiệm vụ trọng tâm đối với các doanh nghiệp và nhân sự của họ, đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới việc liên tục học hỏi, nâng cao kỹ năng và tư duy cầu tiến. Việc học tập, trau dồi kỹ năng không nên chỉ diễn ra một hay hai lần mỗi năm trong khuôn khổ các khóa đào tạo chính thức. Thay vào đó, việc học tập cần là một yếu tố thường trực trong hành trình làm việc hàng ngày/hàng tuần của mỗi nhân viên để có thể liên tục thích ứng và phát triển", bà Nicole Wakefield nói.
Bà Brittany Chong – Lãnh đạo Dịch vụ nhân sự toàn cầu của PwC Việt Nam tại sự kiện |
Doanh nghiệp sẽ cần một chiến lược thuế lao động phù hợp
Ngoài việc nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp và trải nghiệm làm việc của nhân viên, người sử dụng lao động cũng phải chú trọng đến những trách nhiệm cốt lõi khác đối với nguồn nhân lực của công ty. Cụm từ “thuế lao động” chính là tâm điểm đang được đề cập. Thuế lao động có thể được hiểu là bất kỳ nghĩa vụ nào mà người sử dụng lao động phải có đối với người lao động. Đó không đơn giản chỉ là trả lương cho người lao động đúng hạn, mà còn bao gồm cả việc hoàn thành nghĩa vụ đóng góp bảo hiểm xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật như khấu trừ thuế thu nhập, quyết toán thuế cuối năm, chi trả các phúc lợi cho người lao động, v.v.
Theo Báo cáo Nộp thuế (Paying Taxes) năm 2019 được thực hiện bởi PwC và Ngân hàng Thế giới, hiện nay, các cơ quan thuế trên toàn cầu đang thu thuế lao động tương đương mức thu thuế lợi nhuận (thuế doanh nghiệp). Những nội dung thay đổi trong quy định của pháp luật tại Việt Nam đang thể hiện xu thế toàn cầu này. Lấy ví dụ, theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018, cá nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hợp đồng lao động không thời hạn hoặc có thời hạn từ một năm trở lên phải tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội. Do sự thay đổi này, người sử dụng lao động phải bắt đầu thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài theo các hạn mức quy định.
Các doanh nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á còn lại cũng đang đứng trước những thách thức đến từ sự thay đổi trong quy định pháp luật và công nghệ. Một trong những xu hướng liên quan đến thuế lao động trong khu vực, đó là các cơ quan thuế đang ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu để tiến hành kiểm tra thuế gắt gao và có chủ đích hơn, tập trung vào việc kiểm tra bảng lương và nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Khả năng truy cập thông tin nhanh chóng cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý cũng đang có xu hướng gia tăng.
“Những xu hướng và thách thức này thúc đẩy các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào việc xây dựng một khuôn khổ thuế lao động toàn diện, chú trọng vào việc có được những năng lực chuyên môn về thuế, cấu trúc thuế lao động, và quản trị rủi ro cần thiết. Doanh nghiệp sẽ cần một chiến lược thuế lao động phù hợp với chiến lược tổng thể về thuế và kinh doanh,” bà Brittany Chong, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ nhân sự toàn cầu của PwC Việt Nam cho biết.
“Những nhà quản lý nhân sự cầu tiến cần phải có cái nhìn toàn diện về mọi khía cạnh để duy trì một đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả. Nâng cao kỹ năng kỹ thuật số gần đây đã trở thành một mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp và đây thực sự là một nhiệm vụ nên được chú trọng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các công ty được phép xao lãng nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động của mình,” bà Brittany Chong nhận định.