Nhân rộng cửa hàng tự động
Bán lẻ thế hệ mới, tương lai nằm trong sự thay đổi | |
Đầu tư dịch vụ, khách hàng lợi |
Nhiều thương hiệu bán lẻ truyền thống kinh doanh sa sút tới mức phải đóng cửa như Tập đoàn Nine West Holdings, công ty sở hữu thương hiệu giày dép Nine West vừa đệ đơn xin phá sản tại Mỹ. Không khả quan hơn, Walgreens - chuỗi dược phẩm lớn nhất tại Mỹ, đang vận hành hơn 8.000 cửa hàng tuyên bố sẽ đóng 600 cửa hàng trong năm nay. Trước đó, Toys “R” Us cũng từng phải thông báo đóng cửa toàn bộ 800 cửa hàng tại Mỹ sau 6 tháng đệ đơn xin phá sản để chuyển nợ và tái cơ cấu…
Cửa hàng tự động Toromart tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh |
Dường như hiện tượng này đều có một nguyên nhân chung là đã quá đuối sức khi phải cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon hay các nhãn hiệu mới ra đời nhờ sử dụng mô hình kinh doanh hiện đại với những công nghệ như thực tế ảo (VR); trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)... mê hoặc người dùng bằng sự thấu hiểu và tận tâm khiến họ “lười” đến các trung tâm thương mại. Cũng bởi vậy mà Amazon đã nhanh chóng soán ngôi đầu danh sách 25 công ty bán lẻ hàng đầu thế giới theo vốn hóa thị trường năm 2017 do Ernst & Young thống kê với vốn hóa hơn 391 tỷ USD.
Tại Việt Nam, tình hình cũng diễn ra tương tự. Cửa hàng FamilyMart nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh thông báo ngừng hoạt động sau nhiều năm dù lượng khách không tệ. Trong công bố mới đây, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã phải đóng cửa gần 60 cửa hàng trong 100 chuỗi cửa hàng tiện lợi của đơn vị này có. Nguyên nhân được đại diện công ty lý giải là do thuê mặt bằng chiếm tới hơn 90% chi phí nhưng kinh doanh không hiệu quả cộng với giá thuê liên tục tăng nên đơn vị này buộc phải rời đi.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi tiếp tục nở rộ. Đó là GS25 góp mặt tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo sẽ mở rộng sự hiện diện sang quận 7, quận 2... Dự kiến, trong năm 2018, sẽ đạt 50 cửa hàng. 7-Eleven đã đặt chân vào Việt Nam từ giữa năm 2017, tính đến nay đã mở được 7 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó là sự xuất hiện của cửa hàng tiện lợi không người bán đầu tiên - Toromart do CTCP Kootoro Services (Mỹ) đầu tư. Toromart tương đối giống với các cửa hàng tiện lợi, khách đến mua hàng sẽ tải ứng dụng ví điện tử Toro về thiết bị điện tử cầm tay, tạo tài khoản và nạp tiền. Người mua chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên màn hình cảm ứng rồi quét mã QR để thanh toán, hàng hóa sẽ được giao tự động phía dưới máy. Công ty dự tính trong năm 2018 sẽ phủ khắp cả nước với chuỗi hơn 200 cửa hàng.
Số lượng các chuỗi bán lẻ vào Việt Nam chưa dừng lại, trong khi mặt bằng cho thuê ở những khu vực đắc địa không dễ “nở” thêm cộng với chi phí thuê mặt bằng cao, nhân công ngày một tăng khiến mô hình cửa hàng tiện lợi không người bán được dự báo sẽ lên ngôi trong tương lai gần.
Cụ thể hơn, trong năm 2018, Hà Nội sẽ thí điểm vận hành chuỗi cửa hàng tự động không người bán, sử dụng mô hình dùng mã QR trong thanh toán nhằm hiện thực hóa kế hoạch, Hà Nội phấn đấu năm 2018, doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; đưa tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 đạt 66% số người sử dụng internet, tăng 3% so với năm 2017; và giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hàng năm.
Ở góc độ các DN bán lẻ, nhờ công nghệ thông tin, big data mà xây dựng các công cụ phân tích hành vi mua sắm dựa trên dữ liệu của khách hàng. Từ đó, giúp DN bán lẻ có cách thức tiếp cận đúng khách hàng có nhu cầu và xây dựng một đội ngũ bán hàng số thông minh, tiết kiệm được chi phí vận hành và tăng doanh thu.