Nhất thiết cần có đặc trưng
Trong đó, hỗ trợ đến 50% vốn, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh phí đào tạo, mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại... Đến tháng 9/2014, thành phố tiếp tục “bồi” thêm các cơ chế chính sách ưu đãi hơn, tiếp tục hỗ trợ cho những DN tham gia sản xuất sản phẩm lưu niệm.
Đà Nẵng vẫn chưa có sản phẩm lưu niệm đặc trưng |
Tuy có nhiều ưu đãi, song đến nay mới chỉ có 12 DN được công nhận có sản phẩm tham gia chương trình phát triển hàng lưu niệm du lịch của thành phố. Trong đó, đa phần các DN sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, mây, tre, cát, vỏ ốc, đá thạch anh, đá thiên nhiên có biểu tượng Đà Nẵng.
Theo đánh giá của nhiều du khách lẫn người dân địa phương, vẫn chưa có sản phẩm nào xứng tầm, đạt các tiêu chuẩn đề ra, hầu hết còn ở dạng thử nghiệm, thăm dò thị trường, chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thẳng thắn nhận xét, dù đã tăng về số lượng, nhưng sản phẩm lưu niệm du lịch của Đà Nẵng vẫn thiếu điểm nhấn, mẫu mã đơn điệu, mờ nhạt…
Nguyên nhân nào khiến Đà Nẵng vẫn mãi loay hoay tìm sản phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng? Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, với mục tiêu phát triển du lịch, hấp dẫn du khách, thành phố đã có những chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch rất trúng và đúng.
Tuy nhiên, cách làm thì chưa có tính đột phá, chưa đồng bộ. Ở góc độ DN, theo đại diện Công ty Hương Quế chuyên sản xuất các mặt hàng lưu niệm, mỹ nghệ… việc hỗ trợ kinh phí nhiều khi chưa hẳn đã hiệu quả bằng việc tạo cơ hội cho sản phẩm tiếp cận thị trường.
Đơn cử, các sản phẩm của DN đã xuất đi nhiều nước trên thế giới, thậm chí còn được chọn làm quà tặng tại Hội nghị ASEAN+7, song lại không thâm nhập vào được siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng.
Bên cạnh những yếu tố khách quan, trong thực tế DN tham gia sản xuất hàng lưu niệm du lịch ở Đà Nẵng mới chỉ làm những sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính, tay nghề và thiết bị dây chuyền hiện có, mà chưa tính tới nhu cầu, tiện ích để khách du lịch lựa chọn.
Đơn cử như các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước, mô hình cầu Rồng… rất cồng kềnh, nhiều góc cạnh. Trong khi, nhu cầu khách du lịch thường chọn mua những sản phẩm nhỏ gọn, đặc sắc, để thuận tiện gói gém, vận chuyển. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm lưu niệm vẫn dựa vào các khách sạn, công ty du lịch, nhà hàng có đông khách du lịch lui tới, chưa có hệ thống cửa hàng trưng bày.
Thực tế cho thấy, ngay cả phương án này cũng không hiệu quả, bởi các chủ khách sạn, nhà hàng thường thiếu mặn mà khi “hoa hồng” thấp. Trong vòng luẩn quẩn, sản phẩm nghèo nàn, bí đầu ra, dẫn đến việc các DN không đầu tư bài bản, chưa thiết kế được những sản phẩm độc đáo mang dấu ấn văn hóa, đặc thù riêng của địa phương.
Đà Nẵng đang phấn đấu là một trong những điểm đến hấp dẫn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, việc lựa chọn xây dựng các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng riêng của thành phố là yêu cầu cấp thiết.
Mới đây, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho DN sản xuất các sản phẩm lưu niệm tiêu biểu, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định phê duyệt phương án sản xuất thử sản phẩm lưu niệm cho 3 DN gồm: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Lê Quang Huy, với các sản phẩm sản xuất thử gồm mô hình cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn, Vòng quay Mặt trời; Công ty TNHH MTV Tinh dầu Hoàng Lịch với 2 sản phẩm sản xuất thử là cao tràm Tiên Ông và dầu gió Linh Ứng; và Cơ sở sản xuất thạch anh Nguyên Vỹ.
Riêng Công ty TNHH MTV Tinh dầu Hoàng Lịch, còn được thành phố hỗ trợ cho thuê gần 1.000m2 ở quận Sơn Trà, để xây dựng khu trưng bày sản phẩm và văn phòng làm việc. Tuy nhiên về lâu dài, theo ông Phan Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, cần có một hội đồng tư vấn về sản phẩm du lịch và thành lập một website dành riêng cho việc quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, phải có logo chung cho sản phẩm lưu niệm du lịch để dễ nhận diện...