Nhiều cơ hội ở thị trường trái phiếu
Theo phân tích của một lãnh đạo CTCK, NĐT nước ngoài đang phân thị trường chứng khoán ra làm 3 nhóm gồm: Thị trường cận biên (Frontier Market), Thị trường mới nổi (Emerging Market) và Thị trường phát triển (Developed Market). Hiện trên bảng phân hạng MSCI (Morgan Stanley Capital International - tổ chức có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất trong việc xây dựng các tiêu chí phân hạng thị trường), Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các thị trường ở vị trí tiến sát tới các thị trường mới nổi.
Để đáp ứng các tiêu chí của thị trường mới nổi (thỏa mãn hai nhóm tiêu chí chính về tăng quy mô, thanh khoản của thị trường và khả năng tiếp cận thị trường), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 123/2015/TT-BTC (Thông tư 123) ngày 18/8/2015 hướng dẫn về hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/10/2015, các chính sách về hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó đặc biệt là hướng dẫn về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Các quy định mang tính đột phá mới được thực thi, lập tức trở thành công cụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các kênh: đầu tư vào DN niêm yết trên sàn chứng khoán, các công ty đại chúng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc biệt hơn là tạo cơ hội cho NĐT trong và ngoài nước tham gia vào kênh trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN…
Theo đó, kênh thị trường trái phiếu dự báo sẽ có tăng trưởng mạnh khi NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu DN. Bởi luồng vốn đầu tư nước ngoài được khơi thông, sẽ tăng khả năng huy động vốn thông qua kênh phát hành các công cụ nợ dài hạn trên thị trường vốn.
Ngoài ra, chính sách mới này còn được đánh giá sẽ là cú hích mới cho tiến trình cổ phần hóa DNNN đi nhanh hơn. Đối với các DNNN cổ phần hóa mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, việc thu hút các NĐT nước ngoài mua cổ phần không khó. Và một khi NĐT nước ngoài tham gia sâu đầu tư thị trường trái phiếu, đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường, NĐT trong nước dễ dàng tham gia đầu tư trực tiếp loại hình này.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường trái phiếu, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV thừa nhận, thị trường trái phiếu đã tăng trưởng, phát triển trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi các chính sách hỗ trợ cho NĐT nước ngoài được nới.
Ngoài ra, quy mô một nền kinh tế lớn lên, tái cấu trúc hiệu quả, lạm phát, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, thặng dư cán cân thanh toán cao, nguồn vốn đầu tư FDI tăng… Tất cả những điều này tạo ra niềm tin lớn cho NĐT và sẽ tác động đẩy thị trường trái phiếu phát triển.
Một điểm quan trọng nữa là, khi lãi suất càng giảm, giá trị trái phiếu càng tăng. Chưa kể, Chính phủ đang tìm cách cơ cấu lại sản phẩm bằng cách đưa ra nghị quyết về việc tái cơ cấu kỳ hạn thị trường trái phiếu, kéo thời hạn nợ dài ra, đỡ gây áp lực về dòng tiền…
Quả vậy, chưa nói đến lượng vốn đầu tư của NĐT nước ngoài vào thị trường trái phiếu, chỉ xét ở khối NĐT trong nước, “room” còn lại của các NHTM để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hiện vẫn vượt tổng số lượng phát hành trái phiếu Chính phủ huy động vốn trong năm nay mà Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra.
Theo đó, không ít nhà chuyên môn dự báo khối lượng phát hành trái phiếu sẽ tăng kỷ lục trong 5 năm tới. Điều này tạo cơ hội cho NĐT tổ chức lẫn cá nhân có thêm trái phiếu để mua vào.
Có điều, đầu tư trái phiếu vẫn là một kênh đầu tư đặc thù với nhiều rủi ro về thanh khoản, giá, pháp lý, nếu bị khống chế tỷ lệ, giới hạn. Ngoài ra, việc phát triển trái phiếu Chính phủ cũng phụ thuộc vào bức tranh chung của nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư trái phiếu có hấp hẫn hay không sẽ không xét ở hiện tại, mà xét ở xu hướng lãi suất đi ngang, lên hay xuống.
Theo đó, dù các ý kiến vẫn khẳng định ở thời điểm này, những yếu tố rủi ro trên là không lớn, song NĐT cũng cần có cái nhìn bao quát để hạn chế những rủi ro phát sinh không đáng có…