Nhiều thủ đoạn mới trong kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu
Ảnh minh họa |
Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, song song với những thành tựu do thương mại điện tử mang lại thì nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc quản lý kinh doanh hàng hóa qua mạng. Đây cũng là kênh phân phối cho nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn được đặt mua chủ yếu từ Trung Quốc dựa trên nhu cầu của thị trường.
Người bán hàng qua mạng không cần phải có kho chứa trừ hàng hỏa mà chỉ khi nhận được đơn đặt hàng từ người tiêu dùng mới bắt đầu tiến hành lấy hàng từ nhiều nơi khác nhau do đó gây khó khăn cho công tác trinh sát đối tượng. Ngoài ra hình thức kinh doanh này cũng tạo cơ hội cho hàng kém chất lượng được dễ dàng tung ra thị trường.
Các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo của các văn bản pháp lý trong việc xét xử tội buôn lậu thuốc lá nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá có chiều hướng gia tăng, vận chuyển thuốc lá với số lượng lớn bằng xe ô tô riêng, thường xuyên thay đổi biển số nhằm qua mặt lực lượng chức năng khi thông tin phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh với nhau.
Ngoài ra các đầu nậu thường thuê nhiều thanh niên ở các tỉnh có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh khó khăn để tham gia vận chuyển thuốc lá. Bên cạnh đó trên nhiều tuyến xe buýt hiện nay cũng cất giấu một lượng không nhỏ thuốc lá nhập lậu được ngụy trang dưới ghế ngồi, hộc xe,...
Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả chưa được đẩy lùi mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiêm tra, xử lý. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lợi nhuận cao nên người sản xuất, kinh doanh không từ bỏ; một bộ phận người tiêu dùng có khuynh hướng chuộng hàng ngoại giá rẻ góp phần tạo điều kiện cho hàng giả có một chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành nhiều đợt truy quét hàng giả với quy mô lớn tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... Do hàng giả sử dụng vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng tuy đã bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.
Tổng cộng 7 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 29.963 vụ, tăng 142,83% so với cùng kỳ năm trước. Đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 11 vụ gồm 2 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu; 7 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; 1 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu (tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng 10 tỷ 504 triệu đồng).