Nhộn nhịp gọi vốn cho kế hoạch M&A
M&A sẽ tạo nên thành công | |
M&A bất động sản thu hút nhà đầu tư ngoại | |
M&A bất động sản tăng tốc |
Mới đây CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) thông báo sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu, thu về khoảng hơn 390 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến sẽ được dùng phần lớn để mua 65% vốn cổ phần của công ty cùng ngành là ADEC. Tương tự, CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC) cũng đã thông qua kế hoạch chào bán 54,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Số tiền thu về khoảng 548 tỷ đồng dự kiến sẽ được LEC đầu tư mua cổ phần của các DN như PPC An Thịnh Việt Nam, CTCP Đầu tư Xây dựng P&P.
Ảnh minh họa |
Hai trường hợp gia tăng huy động vốn để phục vụ M&A như kể trên là những ví dụ về sự sôi động của thị trường mua bán – sáp nhập trong các tháng quý IV/2017 được đa số các sàn chứng khoán và giới quan sát nhận định.
Đi sâu hơn vào động thái này, các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn Kinh doanh 2017 (tổ chức tại TP.HCM, ngày 14/9) nhận định rằng trong các tháng từ nay đến cuối năm, hoạt động M&A sẽ diễn ra mạnh hơn ở hầu hết các ngành lĩnh vực.
Ở khối bất động sản, ông Stephen Wyatt, Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng thị trường các tháng tới sẽ đón nhận nhiều thương vụ liên doanh thông qua con đường M&A. Dẫn chứng điều này, đại diện JLL cho rằng lượng vốn FDI đổ vào thị trường địa ốc Việt Nam 6 tháng đầu năm đã đạt con số khá “đỉnh” ở mức 0,7 tỷ USD. Hiện hàng trăm triệu USD đang chờ để đổ vào thị trường nhà đất ở hầu hết các phân khúc bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp.
Theo quan sát của JLL, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng tốc trong việc liên doanh với các nhà đầu tư trong nước ở lĩnh vực bất động sản. Theo đó, Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đã hợp tác với Indochina Capital với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Keppel Land (Singapore) cũng đã mua xong 16% cổ phần còn lại của Sowatco tại dự án Saigon Centre; Hongkong Land cũng trở thành đối tác chiến lược với CII – TP.HCM để phát triển nhà ở tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Hàng loạt các biểu hiện cho thấy các thương vụ M&A bất động sản sẽ bùng nổ trong các tháng tới”, đại diện JLL Việt Nam nói.
Trong khi đó ở lĩnh vực bán lẻ, ghi nhận cho thấy các “đại gia” lớn như CTCP Thế giới Di động (MWG), Kido Group và FPT sẽ sớm có những thương vụ M&A để huy động vốn và bán, chiếm thị phần. Phía MWG hiện dự kiến sẽ chi 500 tỷ đồng cho hoạt động M&A và thâu tóm Điện máy Trần Anh. Trong khi đó FPT dự kiến sẽ chuyển nhượng 30% cổ phần mảng bán lẻ cho Dragon Capital và Vina Capital để tập trung vốn vào mảng bán sỉ các mặt hàng công nghệ.
Ở khối ngành hàng nông nghiệp và thực phẩm hoạt động M&A cũng diễn ra sôi động không kém. PAN Food sau khi bỏ vốn thành công vào hàng loạt các DN như Lafooco, Aquatex Bến Tre... mới đây đã đánh tiếng mua 50,07% của Bibica để thâu tóm mảng bánh kẹo của DN này. Trong khi đó, Tập đoàn Thành Thành Công sau khi trở thành DN mía đường lớn nhất cả nước (chiếm 30% thị phần toàn ngành) hiện đã không dừng lại ở chuyện M&A các DN cùng ngành mà tiếp tục liên doanh với các tổ chức quốc tế khác (như John Deere Việt Nam) để thực hiện các chiến lược hiện đại hóa ngành mía đường.
Hàng loạt các tập đoàn lớn khác như VinEco (thành viên Vingroup); FVF - thành viên Tập đoàn TH; Masan Nutri-Science, Lộc Trời… hiện cũng đang công bố sẽ dành vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng để sẵn sàng thực hiện các thương vụ M&A. Điều này cho thấy, các tháng cuối năm 2017, hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam sẽ vô cùng sôi động. Và con số dự kiến tổng giá trị M&A khoảng 5 tỷ USD đến cuối năm nay mà Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 đưa ra vào giữa tháng 8 vừa qua có thể sẽ chưa phải là con số cuối cùng.