NHTM Nhà nước: Gối dựa cho tái cơ cấu
Tái cơ cấu: Động lực đến từ NHTM Nhà nước | |
Tái cơ cấu các TCTD: Nhìn lại và hướng tới | |
Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng |
Tiến trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD đã trải qua giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) với rất nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia ngành NH đã có nhiều “cái được” khi tiến hành tái cơ cấu: thanh khoản của TCTD cải thiện, nợ xấu đã được đưa về dưới mức 3%; một số TCTD yếu kém đã được xử lý …
Thành công trong thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 có đóng góp không nhỏ của các NHTM Nhà nước - những “anh cả” của hệ thống NHTM.
NHTM Nhà nước nắm vai trò chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống NH |
Các thương vụ mua bán, sáp nhập thời gian qua như việc VietinBank mua lại PGBank; MHB sáp nhập vào BIDV; Vietcombank có thương vụ với Saigonbank; rồi việc cử nhân sự hỗ trợ NHNN trong tái cơ cấu ở một số NH như DongA Bank, Eximbank, NH Xây dựng… Agribank cũng tự cơ cấu nhân sự của mình theo chủ trương của NHNN trong việc tái cơ cấu, hợp nhất, mua lại. Tất cả đã cho thấy phần nào trách nhiệm, vai trò của NHTM Nhà nước là một trong những “gối dựa” của quá trình tái cơ cấu.
Tổng giám đốc một trong bốn NHTM Nhà nước cho rằng: Muốn có một hệ thống NH khoẻ mạnh, thì những con “át chủ bài” phải vững chãi, ở đây là các NHTM Nhà nước. Một trong những việc các NHTM Nhà nước cần chú trọng để khẳng định trụ cột trong chặng đường tái cơ cấu đó là nâng cao tiềm lực về tài chính. Mỗi NHTM Nhà nước phải có một chiến lược, lộ trình rõ ràng, cụ thể để thúc đẩy nguồn vốn của mình ngày càng dồi dào, phù hợp với mô hình phát triển.
Vị này cũng chia sẻ thêm: các NHTM Nhà nước đều có những kế hoạch trở thành NH mang tầm cỡ khu vực, nên khi có điều kiện về vốn thì cơ hội để mở rộng quy mô hoạt động, phát triển công nghệ cũng sẽ thuận lợi hơn. Lực mạnh, thì khả năng tham gia và đóng góp cho quá trình tái cơ cấu mới càng phát huy được hiệu quả. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước cũng như một số nguồn lực trong nước còn hạn chế thì phát hành cổ phiếu cũng là một giải pháp.
Tuy còn nhiều hạn chế nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn tái cơ cấu 2011 - 2015, các chỉ tiêu về tổng tài sản, huy động vốn, tín dụng, bán lẻ… của các NHTM Nhà nước đều có sự tăng trưởng tốt.
Đơn cử như BIDV, NH này đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu theo Quyết định 41 của NHNN: Tổng tài sản của BIDV đã tăng 2,1 lần; huy động vốn tăng 2,5 lần; dư nợ tăng 2,6 lần; lợi nhuận trước thuế tăng 1,7 lần. Agribank đã trải qua một giai đoạn bộn bề khó khăn trong giải quyết những tồn tại mắc phải. Nhưng tính tới cuối năm 2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt hơn 800.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, NH nào cũng cần quan tâm tới phòng ngừa, quản trị rủi ro. Nhưng đặc biệt với các NHTM Nhà nước, thì câu chuyện này phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta phải mất hơn 4 năm mới đưa được tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Đó là hậu quả của việc chưa xác định được triệt để vai trò và chưa có đầu tư xứng đáng cho công tác quản trị rủi ro.
Nhưng đó đã là chuyện của ngày hôm qua. Việc chuẩn bị và áp dụng những thông lệ, chuẩn mực quốc tế về vốn (Basel II) với thí điểm 10 NHTM đã bắt đầu được NHNN tiến hành từ tháng 2/2016 hứa hẹn “gạn đục khơi trong” cho hệ thống NHTM.
Vấn đề cũng được chuyên gia tài chính hay nói tới là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, NH. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD yếu kém nhằm tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hệ thống. NHNN đang soạn thảo một chính sách trong đó sự hỗ trợ cho các NHTM Nhà nước tham gia tái cơ cấu.
Theo đó, dự kiến các NHTM Nhà nước hoặc NHTMCP nhưng Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối sẽ được áp dụng cơ chế sử dụng vốn rộng hơn trong hoạt động cho vay. Việc xem xét nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các NHTM Nhà nước từ 80% (Theo Thông tư 36) lên 90% được NHNN cho là cần thiết để hỗ trợ các NH này hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với những nền tảng đã có, các NHTM Nhà nước hoàn toàn có khả năng phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, để tiếp tục chung tay vào công cuộc tái cơ cấu, lành mạnh hoá hệ thống NH. Một chuyên gia tài chính nhấn mạnh: cần phải biết “ngó trước, nhìn sau”, nhìn xa, trông rộng, bởi tái cơ cấu không chỉ là vấn đề trước mắt. Có được thành công bước đầu nhưng chúng ta không thể dựa vào đó để nuôi ảo tưởng là khó khăn đã qua.
Tuy đã có những thành công nhất định, nhưng theo yêu cầu của Chính phủ, ngành NH sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo: 2016 - 2020. Vì thế, trong giai đoạn tới các NHTM Nhà nước sẽ gánh vác trọng trách nhiều hơn để chúng ta tiếp tục thực hiện thành công tái cơ cấu.