Tái cơ cấu: Động lực đến từ NHTM Nhà nước
Chỉ đạo của Thống đốc về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng 2016 | |
Tái cơ cấu các TCTD: Nhìn lại và hướng tới | |
Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng |
Dẫn dắt thị trường
Trải qua giai đoạn thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, số lượng TCTD giảm nhưng năng lực, khả năng cạnh tranh của hệ thống NHTM đã tăng lên rõ rệt, nhất là những đầu tầu NHTM Nhà nước. Không chỉ tích cực tự tái cơ cấu, các NH này còn hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của cả hệ thống. VietinBank mua lại PGBank. BIDV nhận sáp nhập MHB. Các “ông lớn” khác là Vietcombank, Agribank cũng tự tái cơ cấu, thậm chí điều chuyển nhân sự sang các NHTMCP để thực hiện tái cơ cấu, hợp nhất, mua lại theo chỉ đạo của NHNN.
Khối các NHTM Nhà nước có vốn điều lệ chiếm 30,8% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống, hiệu quả kinh doanh cao hơn so với mức bình quân chung. Đồng thời, các NHTM Nhà nước bao giờ cũng là đầu tầu trong việc bám sát các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN trong triển khai các giải pháp, hiện thực hóa bằng các hoạt động cụ thể trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với nhiệm vụ chính trị.
Luôn cần sự chủ động của các đầu tầu NHTM Nhà nước trong tái cơ cấu |
Theo Ths. Nguyễn Thị Mai Phượng (Viện Chiến lược NH - NHNN), các NHTM Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt khối NHTM trong việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN về lãi suất, tỷ giá, nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng - NH, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các TCTD này cũng luôn tuân thủ và kịp thời triển khai các quy định của NHNN, chủ động dẫn dắt thị trường, tạo lập mặt bằng lãi suất, tỷ giá theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Đồng thời, hệ thống NHTM Nhà nước đã có những đóng góp to lớn trong bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua, nhất là mỗi khi thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động, tác động không nhỏ đến thị trường tài chính nước ta.
Các NHTM Nhà nước đã tích cực tham gia các giao dịch tín phiếu, hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện bơm hút tiền nhịp nhàng trên thị trường mở nhằm điều tiết dòng vốn trong nền kinh tế, góp phần giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đơn cử, trong giai đoạn 2013 đến nay, riêng BIDV đã tham gia giao dịch khoảng 7.500 tỷ đồng tín phiếu NHNN...
Trong giai đoạn từ tháng 8/2011 - 5/2014, đã có rất nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay được đưa ra, trong đó các NHTM Nhà nước luôn là những đơn vị tiên phong thực hiện. Cũng chính những TCTD này góp phần quan trọng trong tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ họ nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Duy trì vị thế trụ cột
Các chuyên gia NH cho rằng, sau một thời gian tiến hành tái cấu trúc, nhóm NHTM Nhà nước đã từng bước khẳng định mình trên thị trường tài chính - tiền tệ, thông qua việc cải thiện năng lực tài chính, tăng trưởng nhanh chóng và ổn định cả về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ lẫn hiệu quả kinh doanh, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của hệ thống NH Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2016, NHNN đặt ra nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2020. Xử lý kiên quyết, dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các NHTM được NHNN mua lại.
Với nhiệm vụ trên, chắc chắn hệ thống NHTM Nhà nước vẫn phải giữ vị thế trụ cột trong việc triển khai tái cơ cấu hệ thống thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhóm NHTM Nhà nước vẫn tồn tại một số yếu kém cố hữu của hệ thống NH Việt Nam. Do đó, giai đoạn tái cơ cấu tới cần phải có các giải pháp nâng tầm.
Cụ thể là, vốn tự có của các NHTM Nhà nước hiện nay còn thấp, trong khi nó được xem là chốt chặn cuối cùng trong chuỗi phòng thủ của mỗi NHTM trước các rủi ro. Thông thường, vốn tự có luôn nằm trong xu hướng tăng, do liên tục tích lũy trong suốt quá trình hoạt động. Quy mô vốn tự có là uy tín và sức mạnh của mỗi NH để người ngoài nhìn vào.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yêu cầu của tái cấu trúc NH nói chung và của nhóm các NHTM Nhà nước trong thời gian tới là đẩy mạnh việc tái cấu trúc vốn tự có, với việc chủ động hoạch định lộ trình tăng vốn phù hợp với quy mô phát triển.
Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện vật chất, công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động cần thiết của các NHTM Nhà nước khi mà hệ thống tài chính Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với hệ thống tài chính thế giới. Các biện pháp có thể thực hiện tăng vốn là phát hành cổ phiếu trong nước, bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại; nâng cao khả năng sinh lời…
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách và nguồn lực trong nước còn hạn chế, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép các NHTM Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, sử dụng nguồn thặng dư để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, theo các NHTM, Chính phủ cần xem xét có lộ trình về việc nâng giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các NH từ mức 30% hiện nay lên 35% trong một vài năm tới, và cao hơn vào các năm tiếp theo…