NHTW Trung Quốc điều chỉnh cơ chế tính tỷ giá tham chiếu
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc |
PBoC gần đây đã nói với một số nhà cho vay có đóng góp vào tỷ giá tham chiếu điều chỉnh việc sử dụng của họ về “yếu tố phản chu kỳ” theo cách mà nó sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế này, theo một người đề nghị không nêu tên nói với Bloomberg. Họ nói rằng sự thay đổi này đã có hiệu lực.
Còn nhớ vào năm ngoái, Trung Quốc đã đưa yếu tố phản chu kỳ vào để tính toán tỷ giá tham chiếu nhằm giảm thiểu sự biến động của đồng nhân dân tệ, vốn đã suy giảm trong 3 năm liên tiếp, dẫn tới việc nước này phải áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát chặt dòng vốn.
Các nhà quan sát thị trường cho biết, việc làm này cho phép PBoC kiểm soát nhiều hơn đối với tỷ giá, nhưng lại làm suy yếu các nỗ lực trước đây với mục tiêu để cho đồng nhân dân tệ dễ tiếp cận hơn và theo định hướng thị trường. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn tỷ giá tham chiếu - cùng với nền kinh tế ổn định và sự suy yếu của đồng USD - đã giúp đồng nhân dân tệ phục hồi mạnh trở lại trong nửa cuối năm trước.
Yếu tố phản chu kỳ nhằm chống lại sự biến động do tâm lý bầy đàn của thị trường, Hệ thống giao dịch hối đoái Trung Quốc – một cơ quan thuộc ngân hàng trung ương, cho biết trên trang web của mình vào khoảng thời gian nó (yếu tố phản chu kỳ) được đưa ra.
Nó cũng thường được xem như một công cụ để giải quyết sự giảm giá của đồng nhân dân tệ mà không làm giảm dự trữ ngoại hối. Goldman Sachs Group Inc ước tính rằng trong hầu hết các ngày kể từ tháng 10, tỷ giá tham chiếu thường kết thúc mạnh hơn sau khi yếu tố này được đưa vào tính toán.
Cụ thể, cho tới trước khi có sự thay đổi này, việc định giá của nhân dân tệ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của ngày hôm trước vào lúc 4:30 chiều, biến đọng của nó đối với giỏ tiền tệ và yếu tố phản chu kỳ. Trong đó yếu tố cuối cùng đã làm thay đổi tác động giao dịch của ngày hôm trước và bất kỳ sự biến động tiền tệ mạnh nào trên toàn cầu, những người quen thuộc với vấn đề này đã nói với Bloomberg hồi tháng 5, qua đó hạn chế sự biến động quá mức.
Tuy nhiên sự phục hồi mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ trong năm qua đã mở đường cho sự thay đổi chính sách. Với việc đồng USD sụt giảm mạnh, trong khi dòng vón chảy ra khỏi Trung Quốc đã chậm lại dẫn đến sự phục hồi của đồng nhân dân tệ. Theo đó, đồng nhân dân tệ đã có năm tăng mạnh lần đầu tiên trong 4 năm vào năm 2017. Đà tăng của đồng nhân dân tệ vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu năm 2018 và đồng nội tệ của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 4 tháng vào thứ Hai.
Áp lực giảm giá giảm bớt đã cho phép Trung Quốc thực hiện một bước hướng tới việc đưa nhân dân tệ vào giao dịch theo định hướng thị trường hơn.
Bình luận về động thái này, Raymond Yeung – Kinh tế gia trưởng Trung Quốc của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand ở Hồng Kông cho rằng, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi kỳ vọng suy giảm của nhân dân tệ đã suy yếu. “Điều này cho thấy các nhà chức trách mong đợi tỷ giá sẽ tăng trong phạm vi hợp lý trong thời gian tới”, ông nói.
Trong khi theo lời cố vấn của PBoC, động thái điều chỉnh quản lý cơ chế ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ cho thấy chính quyền muốn tự do hoá tỷ giá hối đoái. “Yếu tố phản chu kỳ được thiết kế để giảm tâm lý bầy đàn”, Huang Yiping - Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh và là một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ của PBoC cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại New York. Tuy nhiên hiện, tỷ giá “đã ổn định trong một thời gian, lực lượng thị trường sẽ đóng một vai trò lớn hơn”, ông nói.
Các nhà phân tích tại Nomura Holdings Inc cũng cho biết, sự thay đổi đối với việc tính tỷ giá tham chiếu có thể tăng khả năng biến động của đồng tiền vì nó sẽ cho phép đồng nhân dân tệ linh hoạt hơn.
Đồng nhân dân tệ lập tức giảm mạnh nhất trong vòng hai tháng sau thông tin này. Cụ thể, đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa giảm 0,4% xuống còn 6,5258 NDT/USD vào lúc 6h28 chiều ở Thượng Hải, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 3/11. So với mức các nhất kể từ tháng 9 thiết lập trong phiên giao dịch hôm thứ Hai, đồng nhân dân tệ đã 0,5%.