Những chiêu 'moi tiền' từ khách mua iPhone cũ
Sự thật ít người biết đằng sau những chiếc iPhone cũ bán tại Việt Nam | |
Cách kiểm tra khi mua iPhone cũ |
Thị trường smartphone đã qua sử dụng tại Việt Nam rất sôi động và không ít khách hàng lựa chọn loại sản phẩm này nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khác với hàng mới, người dùng có thể phải chi nhiều hơn số tiền mà các cửa hàng giới thiệu, do phải mua thêm phụ kiện, các gói bảo hành, chưa kể tới những hao mòn vật lý mà họ phải chi trả.
Dưới đây là những chiêu "moi" thêm tiền của các cửa hàng mua bán iPhone cũ:
Bán máy không kèm phụ kiện
Thông thường, các cửa hàng niêm yết giá iPhone cũ là giá máy "trần", chưa bao gồm phụ kiện. Khi chọn mặt hàng này, người dùng hầu hết đều phải mua thêm sạc, cáp kết nối và có thể là cả tai nghe thì mới đủ bộ. Như vậy, số tiền thực chất bạn cần bỏ ra để mua smartphone và dùng được sẽ cao hơn giá tham khảo trên các website của cửa hàng.
Một bộ sạc, cáp và tai nghe iPhone hàng chính hãng có giá khoảng 1-1,5 triệu đồng. Loại cáp không chính hãng nhưng thiết kế giống hệt của Apple giá từ vài trăm nghìn, tùy chất lượng.
Với phụ kiện chính hãng, trải nghiệm của người dùng sẽ tốt hơn so với hàng nhái. Nó ảnh hưởng đến tốc độ sạc, mức độ an toàn (nguy cơ cháy nổ, chập điện), hạn chế tình trạng chai pin hay tai nghe có chất lượng âm thanh hay hơn.
Bán thêm các gói bảo hành
Một trong những chiêu "moi tiền" của các cửa hàng là bán thêm các gói bảo hành. Smartphone cũ thường là những mẫu máy không còn nhận được hậu mãi của nhà sản xuất do đã có "tuổi đời" trên 12 tháng, vì vậy chính sách bảo hành tùy theo cửa hàng bán ra sản phẩm đó.
Máy đã qua sử dụng có thể không được bảo hành hoặc bảo hành theo thời gian ngắn. Nhân viên bán hàng thường tư vấn khách mua thêm các gói bảo hành dài hạn hơn, gói bảo hành vàng, bảo hành một đổi một... Nếu lựa chọn, số tiền mà bạn chi cho một chiếc smartphone cũ lại bị "độn" thêm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Trong khi đó, smartphone mới hầu hết đều được bảo hành 12 tháng. Đặc biệt với chính sách của các hãng lớn, người dùng thường có chế độ hậu mãi tốt hơn như thời gian sửa ngắn, thay thế linh kiện chính hãng, thậm chí là được đổi máy mới khi gặp lỗi...
Chênh lệch giá giữa các màu
Theo niêm yết của hãng, hầu hết smartphone có giá bằng nhau giữa các màu, trừ phiên bản đặc biệt. Tuy nhiên với máy cũ thì có sự chệnh lệch lên tới cả triệu đồng, nhất là với iPhone.
Thông thường iPhone cũ phiên bản màu xám, đen sẽ có giá rẻ nhất, tiếp đến là màu bạc và đắt nhất sẽ là màu vàng, màu vàng hồng. Các cửa hàng bán máy có xu hướng niêm yết giá sản phẩm theo phiên bản màu rẻ nhất, nhưng để mua được máy đúng sở thích thì bạn có thể phải chi thêm tiền.
Các hao mòn chưa tính đến
Pin là một trong những hao mòn mà người dùng ít để ý đến và khó lường trước khi mua máy cũ. Theo thời gian sử dụng, pin trên smartphone sẽ bị chai, kém dần đi và càng về sau mức độ càng nghiêm trọng. Lý do là khi pin nhanh hết, người dùng sẽ sạc pin với tần suất cao hơn, khiến quá trình chai pin nhanh hơn.
Trong khi người dùng đầu tiên sau 1, 2 năm sử dụng không cần thay thế pin, nhưng đến người dùng tiếp theo thì lúc này pin đã chai nhiều, máy nhanh hết pin và buộc phải thay thế. Nếu mua một chiếc smartphone tầm 2 "tuổi" thì chỉ một thời gian ngắn sau là người dùng sẽ thấy pin của máy kém đi rõ rệt. Lúc này bạn sẽ tốn thêm khoảng vài trăm nghìn đồng cho việc sửa chữa.
Những hao mòn liên quan đến các phím bấm vật lý cũng là điều người dùng cần phải cân đối khi mua máy cũ. Trên iPhone có thể bị chập chờn cần gạt rung/chuông, phím Home, nút nguồn có độ nảy kém... Rõ ràng, một thời gian ngắn sau khi mua máy cũ mà phát sinh những vấn đề này thì số tiền bạn bỏ ra sẽ không chỉ dừng lại ở khoản chi cho việc mua máy mà còn gồm cả tiền sửa máy.