Những cổ phiếu chuyển sàn
Sacombank muốn đổi mã chứng khoán STB thành SCM và chuyển sàn giao dịch |
Ngược lại với xu thế chung trên thị trường, các công ty đại chúng muốn niêm yết trên các thị trường có tiếng, thậm chí cả sàn chứng khoán nước ngoài để khuếch trương hình ảnh thương hiệu, thu hút các quỹ đầu tư nâng cao giá trị DN. Thế nhưng, vẫn có nhiều đơn vị quyết định bước lùi, tức hủy niêm yết hay chuyển sang các sàn nhỏ hơn, kém danh tiếng hơn, điển hình như hai trường hợp gần đây là Sacombank (STB) và Công ty đầu tư bất động sản (Khahomex). Như vậy viễn cảnh nào đang chờ đón các cổ phiếu này một khi hạ cấp xuống các sân chơi thấp hơn?
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Sacombank đang trình cổ đông kế hoạch đổi tên mã chứng khoán từ STB thành SCM. Đồng thời sẽ hủy niêm yết trên sàn Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có quy mô vốn hóa lên đến 2,06 triệu tỷ đồng sang sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX) mà mức vốn hóa mới đạt 196 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Khahomex cũng xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết trên HoSE để chuyển xuống niêm yết trên thị trường giao dịch UPCoM. Còn lật lại lịch sử, những sự kiện tương tự cũng từng diễn ra vào năm 2013 với hai DN là Công ty chế biến & xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex hay vật liệu xây dựng Viglacera Bá Hiến.
Tất nhiên, lãnh đạo các công ty này có ý kiến để thuyết phục cổ đông về việc hạ cấp. Khahomex cho rằng việc niêm yết trên HoSE khiến DN chịu nhiều chi phí, nhất là công bố thông tin trong khi chưa thấy được nhiều lợi ích. Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho rằng do tên cũ không gặp nhiều may mắn nên muốn chuyển đổi cả tên và địa chỉ giao dịch để làm mới triệt để.
Tuy nhiên, nên nhớ trên nguyên lý NHNN hiện vẫn đang là cổ đông lớn của Sacombank sau khi ông Trầm Bê chuyển nhượng hơn 51% cổ phần mà không hủy ngang cho NHNN. Vì vậy, việc đổi mã giao dịch chứng khoán, tiếng nói của cổ đông lớn là rất đáng kể, chứ không chỉ là ý muốn cá nhân.
Ngay sau khi thông tin được Sacombank công bố một cách khá bất ngờ, giá cổ phiếu STB đã giảm mạnh từ 12.400 đồng xuống chỉ còn 11.600 đồng/cổ phiếu (trong tuần đầu sau khi có thông tin), khiến các cổ đông hiện hữu bất ngờ chịu lỗ.
Trong khi hai cái tên Cadovimex và Viglacera Bá Hiến giờ chắc không nhiều người còn nhớ đến. “Các quỹ như ETF có thể sẽ bán mạnh cổ phiếu STB nếu chuyển sàn”, một nhà phân tích nhận định. Hiện STB đang nằm trong rổ chỉ số VN30 các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ mở ETF thường xuyên quan tâm. “Nếu DN rời khỏi một vị trí cao hơn để đi đến một vị trí thấp hơn đương nhiên sẽ bị mất quyền lợi, nghĩa là tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi lớn”, ông Lê Hải Trà, Ủy viên vàphụ trách hội đồng quản trị HoSE nhận định.
Tất nhiên, việc niêm yết trên sàn nào sẽ do cổ đông quyết định. Nhưng trong các trường hợp bất ngờ công bố sự kiện như những điển hình vừa qua thì phần thiệt chắc chắn sẽ rơi vào các cổ đông nhỏ lẻ, những người kém thông tin nhất. Bên cạnh đó, viễn cảnh trong tương lai của cổ phiếu chưa chắc sẽ sáng lạn khi việc niêm yết trên các sàn nhỏ hơn, rủi ro hơn, mập mờ về minh bạch thông tin càng khiến cho các nhà đầu tư hàng đầu tránh xa.
Nhưng không loại trừ ý đồ của việc chuyển sàn còn nằm ở mục tiêu khác, thậm chí là bước đi nằm trong chiến lược thâu tóm âm thầm DN của một nhóm các nhà đầu tư lớn. Điển hình như ở Khahomex, mới đây một nhóm các nhà đầu tư liên quan đến chứng khoán Bản Việt bất ngờ xuất hiện và tham gia vào hội đồng quản trị của công ty, trong khi cổ đông lớn trước đó là Bến Thành Group bất ngờ thoái toàn bộ 4,07 triệu cổ phiếu.
Dù là một tên tuổi chưa được nhiều người biết đến trên thị trường bất động sản nhưng Khahomex có ưu thế khi đang sở hữu hàng loạt các lô đất có vị trí đắt giá tại quận 4, đối diện trung tâm tài chính quận 1 (TP.HCM).
Tương tự như Khahomex, việc chuyển sàn của Sacombank có thể phục vụ cho mục tiêu thâu tóm ngầm của các nhà đầu tư mới, trong khi giá cổ phiếu giảm cũng mang đến cơ hội mua vào cho những… kẻ đi săn.
Kết quả kinh doanh của Sacombank đang phục hồi khá tốt. Theo kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Sacombank ở mức 585 tỷ đồng nhưng tại hội nghị sơ kết diễn ra sau đó 1 tháng, ông Dương Công Minh tự tin cho rằng có thể cán mốc lợi nhuận hơn nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã thực hiện được 576 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 463 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.