Nỗi lo thực phẩm bẩn
Muôn nẻo bủa vây người tiêu dùng
Hiện mỗi ngày có hàng trăm tấn thực phẩm như hoa quả, bánh kẹo, động vật (có cả phủ tạng)… theo các cửa khẩu biên giới đi vào nước ta. Đó là còn chưa kể đến một số lượng lớn hàng hóa tràn vào nước ta qua con đường nhập lậu.
Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa thực phẩm chủ yếu bằng cảm quan: cách thức đóng gói, hạn dùng trên bao bì thực phẩm, màu sắc, mùi vị và trong trường hợp cần thiết thì lấy mẫu xét nghiệm xem có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố vi nấm aflatoxin… hay không. Chính vì thế, vẫn còn hiện tượng một số thực phẩm bẩn theo các chuyến xe thẩm thấu vào Việt Nam.
Một vụ vận chuyển thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ |
Trong khi đó việc vận chuyển tiêu thụ thực phẩm bẩn trong nội địa cũng không kém phần sôi động. Ngày cuối cùng của năm 2015, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc tuần tra, phát hiện xe khách giường nằm chạy trên Quốc lộ 1 đang chuyên chở gần 200 con heo sữa thối và 7.300 trứng cút không rõ nguồn gốc. Tài xế cho biết được thuê vận chuyển số hàng trên cho một nhà hàng ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để biến thành lợn sữa quay đãi khách mừng năm mới.
Gần như cùng thời gian trên, tại khu vực xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội, Tổ công tác của Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm về nông nghiệp, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội phát hiện ôtô tải đang dừng đỗ bên đường có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra.
Trên xe, tổ công tác tìm thấy nhiều bao tải bên trong chứa nội tạng gia súc như lòng bò, tiết cùng một lượng lớn da và thịt vụn động vật đã hôi thối, bốc mùi khó chịu, tổng trọng lượng gần 8 tạ. Lô hàng này cũng không có chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng khai đang thu mua hàng trôi nổi “hết đát” trên thị trường và vận chuyển sang các tỉnh lân cận để bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Liên tiếp những tháng cuối năm 2015, lực lượng chức năng, trong đó có Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và thu giữ nhiều tấn thực phẩm “bẩn”. Đáng chú ý bối cảnh bắt quả tang những vụ việc này lại diễn ra ngay giữa những khu chợ trong nội thành thành phố chứ không “dấm dúi” như thường thấy.
Chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là một trong những chợ đầu mối với hoạt động giao thương khá sôi động. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã trà trộn các loại thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm để bán cho người tiêu dùng.
Cũng tại đây, Đội 4, Phòng PC49 Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng thu giữ hơn 1 tấn thịt lợn “bẩn” là lợn ốm, chết đang bị phân hủy. Các đối tượng Hoàng Văn Chí, 28 tuổi và Nguyễn Khắc Sáng, 43 tuổi, trú tại Mỹ Hào, Hưng Yên đã khai nhận thu gom số lợn bệnh, chết của người dân quanh vùng và mang về chợ Phùng Khoang để tiêu thụ.
Có thể thấy, thực phẩm bẩn đang “bủa vây” người tiêu dùng khắp mọi phía, từ nhập khẩu đến nội địa, từ các chợ, các cửa hàng to, nhỏ thậm chí ở các siêu thị lớn.
Cương quyết hơn với “u ác tính”
Thực phẩm bẩn không chỉ “bủa vây” người dân mà còn làm “nóng” cả nghị trường Quốc hội. Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 16/11/2015, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không những giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã làm xôn xao hội trường khi nói rằng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.
Khi ăn thực phẩm bẩn, phản ứng rõ nhất là ngộ độc, về lâu dài người bệnh có thể đối mặt với những căn bệnh mãn tính, lâu ngày gây đột biến gene - ung thư xuất hiện. Tuy nhiên, lương tâm, đạo đức của một số người kinh doanh đã bị đánh mất trong thời buổi ai cũng đua chen bất chấp mọi thứ để kiếm tiền, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Một cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn chỉ phải chịu phạt vài chục triệu đồng rồi lại bình thản kinh doanh vì siêu lợi nhuận, bởi có cầu ắt hẳn có cung.
Hậu quả nhãn tiền đã quá rõ ràng khi mỗi năm Việt Nam có 150.000 người mắc ung thư và phân nửa số đó phải từ giã cõi đời, ngày càng có nhiều hơn những ngôi “làng ung thư”, ngộ độc thực phẩm từ chóng mặt, nôn mửa cho đến tử vong nay không còn là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt mà đã mang tính đồng loạt, từ vài chục cho đến vài trăm người từ quy mô từng gia đình cho đến cả trường học và xí nghiệp.
Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Cần phải ý thức một cách nghiêm túc về tác hại của thực phẩm bẩn. Các cơ quan chức năng cần coi đây là một vấn nạn của đất nước, vào cuộc một cách quyết liệt, đưa ra những chế tài nghiêm khắc với những hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn. Mặt khác, mỗi người tiêu dùng cần có ý thức dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cùng đó, người tiêu dùng cần nâng cao trách nhiệm tố giác, đấu tranh với hành vi vi phạm. Thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay như là cái “u ác tính” cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư. Tất cả chúng ta hãy hành động ngay hôm nay chứ đừng để đến khi vô phương cứu chữa.