Ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp
Kiểm soát chặt chẽ, để Formosa không tái diễn gây ô nhiễm môi trường | |
Dự án Nhà máy thép Việt-Pháp: Còn nhiều câu hỏi cần trả lời |
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để trả lại môi trường sống cho người dân địa phương |
Người dân bức xúc
Những năm qua, Đà Nẵng tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội theo hướng xanh - sạch. Nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương này trong công tác bảo vệ môi trường đã được người dân ghi nhận. Sự quan tâm của thành phố cùng nỗ lực của các ban, ngành, chính quyền các địa phương đã khắc phục nhiều điểm đen về môi trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề môi trường không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, mà đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các DN và chủ đầu tư các dự án trên địa bàn. Do vậy, thời gian qua một số điểm đen về môi trường lại tái diễn, khiến người dân địa phương bức xúc.
Và tình trạng ô nhiễm môi trường đã khiến cuộc sống của người dân sinh sống trên địa bàn quận Liên Chiểu bị đảo lộn. Hàng ngày phải sống chung với bụi, khí thải từ các nhà máy đang hoạt động tại KCN, dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Phước Chu.
Sự việc này đã kéo dài khiến người dân bức xúc và đã kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại lớn cho sức khỏe của cộng đồng. Theo người dân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, họ đang phải sống chung với bụi và khí thải từ các nhà máy đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu.
Tình trạng này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Đặc biệt, khói bụi tại các nhà máy sản xuất xi măng, cao su, thép, không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hộ dân sinh sống lân cận KCN, mà còn làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình. Người dân nhiều lần phản ánh tình trạng này lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Trước sự phản ảnh của người dân và chính quyền địa phương, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra 22 DN đang hoạt động trong KCN Liên Chiểu. Qua đó, đã phát hiện đến 12 DN vi phạm về quy định bảo vệ môi trường.
Trong đó, Thanh tra sở đã xử lý 6 DN là Công ty TNHH Sức Trẻ, CTCP Thép Đà Nẵng, CTCP Xi-măng Vicem Hải Vân, CTCP Sứ Cosani, CTCP Lilama 7, CTCP Cơ khí và Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5. Cùng với đó, UBND quận Liên Chiểu cũng xử lý 4 trường hợp là Công ty TNHH MTV Công trình 875, Công ty TNHH Thịnh Phú, CTCP Non Nước, CTCP Khí hóa lỏng miền Bắc - Chi nhánh miền Trung.
Chính quyền vào cuộc
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trạm xử lý nước thải tập trung ở KCN Liên Chiểu do DN đầu tư xây dựng không bảo đảm về kết cấu, trang thiết bị máy móc cũ, không đồng bộ; việc quản lý vận hành, tiếp nhận nước thải sau xử lý cục bộ từ DN không được quan tâm và vị trí trạm quá gần khu dân cư nên trong quá trình hoạt động của trạm gây mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Trước đó, đợt kiểm tra các quy định bảo vệ môi trường trong tháng 6 đầu năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Đà Nẵng kiểm tra 20/21 DN đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu. Trong số đó, chỉ có 4 DN thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.
Trong đó, nước thải sau xử lý cục bộ của Công ty TNHH Sức Trẻ có thông số ô nhiễm COD vượt 5,29 lần, TSS vượt 0,043 lần; CTCP Gốm sứ Cosani có lượng nước thải xử lý cục bộ có thông số TSS vượt 13,5 lần so với yêu cầu chất lượng nước đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung. Với những sai phạm này, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng tạm dừng việc tiếp nhận nước thải của hai DN.
Để xử lý vấn đề này, theo UBND quận Liên Chiểu, đối với các điểm ô nhiễm môi trường được phân cấp, thuộc thẩm quyền quản lý của quận, nếu nhận được phản ánh của người dân, địa phương sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền sở tại xử lý ngay.
Tuy nhiên, các điểm ô nhiễm môi trường xảy ra ở KCN thì trách nhiệm của địa phương chủ yếu là giám sát, đề xuất và kiến nghị khi phát hiện có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường. Vừa qua, Liên Chiểu đã phát hiện điểm nóng ô nhiễm môi trường tái diễn. Ngay sau đó, UBND quận đã đề xuất, kiến nghị với thành phố xử lý. Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại 2 điểm nói trên cơ bản được giảm thiểu.
Sau khi nhận được sự phản ánh của người dân và chính quyền cấp dưới, vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị phải tăng cường thực hiện giải pháp xử lý ô nhiễm trong quá trình hoạt động sản xuất của các DN. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng đang tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường của các DN vi phạm vệ bảo vệ môi trường.