Kiểm soát chặt chẽ, để Formosa không tái diễn gây ô nhiễm môi trường
Phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà kéo dài từ chiều ngày 15/11 đến đầu giờ sáng ngày 16/11 tập trung vào các vấn đề giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản của đất nước; giải quyết hậu quả xung quanh sự cố môi trường biển Formosa…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về trách nhiệm của Bộ trong việc đảm bảo Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp-Formosa sẽ không tái diễn gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình Formosa khắc phục sự cố môi trường vừa qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ trực tiếp phối hợp, thành lập một tổ công tác theo dõi và giám sát 24/24, giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Formosa thải ra.
Đối với biện pháp xử lý, Bộ cũng đặt ra các quy định và yêu cầu Formosa phải đáp ứng. Nếu tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì áp dụng tiêu chuẩn cao nhất và thông lệ quốc tế.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ đã tập trung vào công nghệ xử lý đối với nước thải. Tất cả các khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nguồn thải của nhà máy điện và luyện cốc hoặc khu vực khác như cảng của Formosa đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể.
Tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động, quan trắc đầy đủ thông số và chuyển thẳng về cho cơ quan quản lý nhà nước ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường...
“Có thể nói các quy trình và yêu cầu công nghệ xử lý đối với Formosa chúng ta đã thống nhất tích cực thực hiện với tinh thần đảm bảo xây dựng nhà máy đảm bảo an toàn đối với môi trường và có thể duy trì lâu dài không xảy ra sự cố và có thể phát triển bền vững ở địa phương”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về góc độ kiểm soát sự cố, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đã yêu cầu Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng để chuyển các loại chất thải này đối với các doanh nghiệp có đầy đủ năng lực và điều kiện để xử lý thì được lưu giữ trong kho theo đúng các quy định hiện nay về quản lý chất thải công nghiệp cũng như đối với chất thải nguy hại. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp cũng như chất thải nguy hại ở đây.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Bộ Xây dựng trong thời gian tới sớm có sự phối hợp để ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xây dựng để các chất thải rắn của Formosa như tro bay, xỉ than, xỉ đáy của Formosa có thể được trở thành thương mại và vận chuyển, kinh doanh một cách bình thường. Với cách thức quản lý cũng như với nỗ lực của doanh nghiệp, đặc biệt hiện nay Formosa cũng đã mời rất nhiều các cơ quan tư vấn nổi tiếng như các cơ quan tư vấn về xử lý môi trường của Pháp, Mỹ để có những tham vấn trong vấn đề dài hạn thì Formosa cần phải tiếp tục trong vòng 2 năm thay đổi về cơ bản cây công nghệ về cốc, từ cốc ướt sang cốc khô.
“Về quy trình cũng như cách thức quản lý, vận hành của Formosa đối với các hệ thống xử lý chất thải thì cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14000 để đảm bảo tất cả các khâu trong quá trình hoạt động luôn được kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ để trong thời gian tới hoạt động Formosa có thể đảm bảo không gây ô nhiễm và giảm đến tối đa tất cả những khả năng có thể gây ra sự cố môi trường” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.