OPEC và các nhà sản xuất lớn đồng thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng
Chủ tịch OPEC - Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al-Falih và Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói chuyện với các nhà báo trước khi bắt đầu cuộc họp của OPEC tại Vienna, Áo, ngày 25/5/2017 |
Giá dầu bắt đầu sụt giảm từ năm 2014 đã buộc Nga và Ảrập Xêút phải thắt lưng buộc bụng và dẫn đến tình trạng bất ổn tại một số nước sản xuất dầu như Venezuela và Nigeria.
Thế nhưng việc giá dầu bắt đầu tăng trở lại trong năm nay đã thúc đẩy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tăng trưởng mạnh khi mà quốc gia này không tham gia vào thỏa thuận đầu ra, do đó làm chậm sự tái cân bằng của thị trường với các kho dự trữ dầu thô toàn cầu vẫn ở mức cao kỷ lục.
“Chúng tôi đã xem xét các tình huống khác nhau, từ 6 tháng đến 9 tháng đến 12 tháng, và thậm chí chúng tôi còn cân nhắc đến giải pháp cắt giảm mạnh hơn”, Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al-Falih cho biết tại buổi họp báo sau đó.
Ông cũng nói rằng ông không lo lắng về những gì ông gọi là giá dầu giảm kỹ thuật hôm thứ Năm và tin rằng giá sẽ hồi phục do tồn kho dầu toàn cầu đang thu hẹp, bao gồm cả việc Ảrập Xêút giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Còn nhớ, hồi thyangs 12/2016, OPEC đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong một thập kỷ và cũng là thỏa thuận cắt giảm đầu tiên với 11 nước sản xuất phi OPEC do Nga dẫn đầu trong 15 năm.
Theo đó, hai bên đã quyết định cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong nửa đầu năm 2017 - bằng 2% sản lượng toàn cầu, và lấy sản lượng của tháng 10/2016 là gốc để giảm.
Mặc dù cắt giảm sản lượng, nhưng trên thực tế OPEC vẫn giữ ổn định thị trường xuất khẩu trong nửa đầu năm 2017 vì các thành viên của nó đã bán dầu từ kho dự trữ.
Lần này, OPEC và các nước xuất khẩu dầu phi OPEC cũng đã đồng ý cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên sự phân chia chính xác giữa OPEC và các nước không phải là thành viên có thể khác biệt sau khi Equatorial Guinea gia nhập tổ chức vào thứ Năm, giảm số nước không thuộc OPEC xuống còn 10.
Hiện OPEC đang sản xuất 1/3 lượng dầu trên thế giới. Theo thỏa thuận mới, OPEC sẽ giảm sản lượng giảm 1,2 triệu thùng/ngày được sản xuất dựa trên sản lượng tháng 10/2016 khoảng 31 triệu thùng/ngày, trừ Nigeria và Libya. Falih cho biết các thành viên của OPEC là Nigeria và Libya vẫn sẽ được miễn trừ vì sản lượng của họ vẫn bị hạn chế bởi tình trạng bất ổn.
Khẳng định xuất khẩu dầu của Ảrập Xêút đã giảm mạnh từ tháng 6, nhờ đó giúp đẩy nhanh quá trình tái cân bằng thị trường, ông này cũng nói thêm rằng, thỏa thuận cắt giảm có thể được mở rộng hơn nữa khi OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC nhóm họp lần tới tại Vienna vào ngày 30/11.
OPEC tự đặt mục tiêu giảm lượng tồn kho dầu từ mức cao kỷ lục 3 tỷ thùng xuống mức trung bình 5 năm của họ là 2,7 tỷ thùng.
“Chúng tôi thấy lượng hàng tồn kho đã giảm đáng kể và điều đó sẽ được đẩy nhanh”, Falih nói. “Sau đó, quý thứ tư sẽ giúp chúng tôi đến nơi chúng tôi muốn”.
Tuy nhiên, OPEC cũng phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi không muốn đẩy giá dầu quá cao, vì làm như vậy sẽ thúc đẩy sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.
“Việc giảm dầu OPEC trên thị trường sẽ làm tăng cơ hội cho năng lượng của Mỹ đáp ứng nhu cầu trên toàn thế giới và sẽ giúp chúng ta đạt được sự thống trị về năng lượng”, Ryan Sitton thuộc Ủy ban Đường sắt Texas, điều hành ngành công nghiệp dầu mỏ lớn của Texas, nói với Reuters
Giá dầu giảm hơn 4% do thị trường kỳ vọng các nhà sản xuất dầu thể đạt tăng cường cắt giảm hoặc kéo dài thời gian cắt giảm hơn nữa, cho đến giữa năm 2018.