PAPI 2015: Tham nhũng thành bệnh kinh niên
PCI – Nhịp trống thúc giục cải cách | |
Vì sao Đà Nẵng vững vàng ngôi vương? |
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2015 vừa được công bố sáng nay. Đây là lần thứ 5 PAPI được công bố, và báo cáo lần này không chỉ nêu bật kết quả cấp tỉnh năm 2015 mà có so sánh qua 5 năm (2011-2015).
Báo cáo cho thấy Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An luôn có tên trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trong suốt 5 năm.
Bên cạnh đó, “Kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2015 và so sánh qua các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam có xu hướng suy giảm đáng kể” - tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) giới thiệu về nội dung báo cáo PAPI.
Trong 6 chỉ số của PAPI, chỉ có chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” tiếp tục tăng nhẹ qua các năm. Giảm mạnh là chỉ số “Công khai, minh bạch” (giảm 7% điểm so với 2014) và “Kiểm soát tham nhũng”; Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và “Trách nhiệm giải trình của người dân” cũng suy giảm đáng kể; Chỉ số “Thủ tục hành chính công” giảm nhẹ so với những năm trước. So sánh với các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam đã có xu hướng "suy giảm đáng kể".
Và PAPI 2015 đã chỉ ra “phiền nhiễu ở đâu, lĩnh vực cụ thể nào” như ông Nghĩa nêu vấn đề.
“Người dân bày tỏ quan ngại đối với tham nhũng trong khu vực công và trong cung ứng dịch vụ công”, theo PAPI. Những người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cũng cho rằng tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương rất phổ biến.
Chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm 3% điểm so với năm 2014. Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường tiểu học công lập và trong dịch vụ hành chính công về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, bồi dưỡng thêm… để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.
So với kết quả khảo sát năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất.
“Kết quả khảo sát PAPI năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình hình tham nhũng ở Việt Nam”, PAPI nhấn mạnh.
Quan ngại hơn là “người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương”. Trên toàn quốc, chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.
“Chính quyền các cấp cần có các biện pháp hữu hiệu hơn trong phòng, chống tham nhũng. Cả cán bộ, công chức và người dân cần tích cực hơn trong việc giảm thiểu các hành vi tham nhũng, đưa hối lộ”, theo ông Giang.
“Người dân mong đợi và chính quyền các địa phương đang cải cách quyết liệt”, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa phát biểu. PAPI giúp chính quyền các tỉnh nhìn lại sức khỏe nền hành chính của tỉnh mình. Ông gợi mở, Miền Tây nhìn Miền Đông, Bình Phước so mình với Bình Dương, các miền đất Quảng cạnh tranh với Thanh Nghệ, Nam so với Bắc.
Nhìn chung, trong 5 năm qua, các tỉnh, thành phố đạt điểm cao thường tập trung ở các vùng Đông Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ. Những tỉnh, thành phố đạt điếm thấp thường tập trung ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Với bất kỳ chính sách nào, cuối cùng vẫn là vấn đề thực hiện. Chừng nào cán bộ, công chức, viên chức chưa thực thi hiệu quả những vấn đề ưu tiên và chính sách do Đảng và Nhà nước đề ra thì chính sách sẽ vẫn chỉ ở trên giấy”, theo ông Ng Teck Hean, Đại sứ Singapore tại Việt Nam.
Ông bày tỏ: “Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới vị thứ của các tỉnh/thành phố trong Chỉ số PAPI khi đưa ra các quyết định đầu tư của họ. Tôi rất mong chính quyền tất cả các tỉnh/thành phố ở Việt Nam quan tâm cải thiện hiệu quả, hiệu lực quản lý và tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan, ban ngành trong khu vực công”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết luận: “Suy cho cùng, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp mới là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp”. PAPI cùng với PCI trở thành hệ thống chỉ báo toàn diện và bền vững cho những hành động cần thực hiện đối với chính quyền địa phương.
Kết quả phân tích sâu cho thấy các yếu tố cá nhân tác động đến việc tham gia của người dân vào quá trình tham vấn ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp. Đảng viên hoặc thành viên các tổ chức đoàn thể có nhiều cơ hội tham gia hơn những nhóm dân cư khác. Đảng viên và công dân có trình độ học vấn từ cấp tốt nghiệp THPT trở lên có khoảng 35% cơ hội được tham vấn ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đảng viên có trình độ học vấn thấp hơn chỉ có xác suất 18% cơ hội. Với những người không là thành viên của bất kỳ tổ chức nào và có trình độ học vấn tốt chỉ có chưa đến 3% cơ hội tham gia; và cơ hội này chỉ là 1% với những người có trình độ học vấn thấp. PAPI 2015 |