Phải vận động để bứt phá
Ngành thủy sản đương đầu khó khăn | |
Thủy sản không may |
Ảnh minh họa |
Năm 2015 đối với ngành thủy sản nói chung và nhiều DN trong ngành nói riêng là không mấy thành công khi kết quả xuất khẩu, hoạt động kinh doanh có phần sụt giảm đáng kể.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm qua đạt 6,57 tỷ USD, giảm hơn 16% so với năm trước. Sự sụt giảm này là do hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm mạnh như tôm giảm 25,3%, cá tra giảm 11,5%, mực và bạch tuộc giảm 11,2%...
Đặc biệt, tại 3 thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, giá trị xuất khẩu cũng giảm lần lượt với con số tương ứng 24,2%, 17,8% và 13,9% so với năm ngoái.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Vasep cho biết, năm 2015 các DN xuất khẩu thủy sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung, giá cả xuất khẩu giảm trong khi giá nguyên liệu tăng, rào cản kỹ thuật phức tạp... Điều này đòi hỏi các DN phải có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Phân tích để tìm ra các nguyên nhân khiến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm qua gặp nhiều trở ngại, sụt giảm, Chủ tịch Vasep cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân tác động đến từng lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.
Trong đó, ngoài những yếu tố khách quan còn có cả những nguyên nhân chủ quan mà nếu sớm được tháo gỡ, khắc phục sẽ mau chóng cải thiện được tình hình khó khăn chung của toàn ngành trong năm qua và hướng tới năm 2016 với những kỳ vọng chuyển biến mới.
Tại thị trường nước ngoài, vấn đề điều tra chống bán phá giá của một số thị trường nhập khẩu vẫn tích cực được tiến hành. Tuy nhiên ngay từ năm 2015, nhiều DN xuất khẩu các mặt hàng tôm, cá tra của Việt Nam với kim ngạch lớn như Hùng Vương Corp, Minh Phú Seafood Corp, Thuận Phước Corp, Tafishco... đã phải chịu mức áp thuế chống bán phá giá cao không chỉ khiến kim ngạch mà giá trị thu về cũng sụt giảm nhiều.
Còn trong nước, phần lớn các DN xuất khẩu lại phải đau đầu với mức chi phí tăng cao từ việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP) của hàng thủy sản trước khi xuất khẩu. Nhiều DN xuất khẩu thủy sản cho biết, theo quy định hiện nay phí kiểm nghiệm đã bị “đội” lên gấp đôi (từ gần 4 triệu lên đến hơn 8 triệu/lô hàng) khiến cho chi phí chung của DN tăng, lợi nhuận sụt giảm... Tất cả những vấn đề này đang khiến sức cạnh tranh của ngành thủy sản thời gian qua yếu dần đi.
Và trong bối cảnh này, không ít DN xuất khẩu đã phải tìm cho mình hướng đi mới để tồn tại. Một trong những hướng đi ấy là chú trọng vào đầu tư nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ chú trọng đến sản lượng như trước kia.
Điển hình có thể kể đến Vĩnh Hoàn Corp là công ty đầu tiên hoàn tất quy trình đánh giá BAP (thực hành nuôi tốt) đối với cá tra của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) cho toàn bộ quy trình sản xuất gồm nhà máy thức ăn, trại sản xuất giống, trại nuôi và nhà máy chế biến.
Từ quy trình này, công ty đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt, đạt giá trị gia tăng cao như dầu cá collagen, gelatin chiết xuất từ da cá... Và quan trọng hơn, các sản phẩm xuất khẩu của Vĩnh Hoàn Corp luôn được đón nhận do đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
Đồng thời, cũng chính nhờ việc nâng cao quy trình nuôi trồng, đảm bảo chất lượng mà công ty có thêm thuận lợi khi trở thành DN được ưu tiên trong việc thông quan hàng hóa. Hay như Tập đoàn Sao Mai An Giang đã mạnh dạn đầu tư hơn 20 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản.
Dự kiến, với nhà máy có 4 dây chuyền công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Sao Mai An Giang không chỉ giải quyết được khó khăn về nguồn nguyên liệu, mà còn tăng năng suất, giảm chi phí để nâng sức cạnh tranh với các DN trong ngành, từ đó có cơ hội vươn ra thế giới...
Riêng đối với các quy định, chi phí về kiểm dịch, kiểm tra liên ngành đại diện Vasep cho biết, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị đến các cơ quan thẩm quyền để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giúp các DN tìm nhiều hướng đi mới. Có như vậy, ngành thủy sản và các DN mới hội tụ được nguồn lực, gia tăng sức mạnh để bứt phá vươn lên trong môi trường cạnh tranh quốc tế.