Phần cứng iPhone mạnh hơn những gì chúng ta nghĩ
iPhone 7 đầu tiên về Việt Nam | |
iPhone 7 tại Việt Nam bị đẩy giá lên hàng chục triệu đồng | |
Tim Cook: Tai nghe AirPods không dễ rơi |
Thường thì chúng ta hay nói rằng chỉ có mấy con Android mới phải dùng cấu hình mạnh, còn khi đi mua iPhone thì không cần quan tâm. Điều này hoàn toàn chính xác, nếu chỉ xét riêng về cấu hình thô được hãng công bố.
Tuy nhiên nghịch lý là iPhone vẫn liên tục là một trong những chiếc điện thoại bán chạy nhất thế giới hết năm này qua năm khác (số liệu của Strategy Analytics). Không phải vì cấu hình không quan trọng, ngược lại là đằng khác, nhưng cùng một bảng cấu hình lại có ý nghĩa rất khác nhau trong hệ sinh thái iOS và Android, từ pin, chip, RAM cho đến camera.
Pin
Trước hết chúng ta hãy nói một chút về pin. iPhone 6s có viên pin 1715mAh, nhỏ hơn so với hầu hết những chiếc điện thoại Android tầm thấp hiện đang bán trên thị trường chứ chưa nó tới những sản phẩm cao cấp.
Ngay cả chiếc iPhone 6s Plus màn hình to 5,5" cũng chỉ dùng pin 2750mAh mà thôi, trong khi nhiều smartphone Android tầm cao giờ đã là 3000mAh hoặc hơn. Vậy mà thời lượng pin của iPhone 6s Plus vẫn rất tốt, ngang ngửa các máy dùng pin to hơn, điều này cho thấy các thiết bị Android có vẻ như không xài điện hiệu quả bằng.
Nói cách khác, các nhà sản xuất Android phải liên tục nâng cấp viên pin của mình để bù lại cho phần năng lượng mà cấu hình cao tiêu thụ, và cứ mỗi năm cấu hình mạnh lên thì chúng ta lại thấy dung lượng pin lớn lên tương ứng.
Pin là một khối đặc, có trọng lượng nặng và thường chiếm nhiều không gian. Vậy nên, để thiết kế ra một chiếc smartphone có thời lượng pin lâu bằng hoặc hơn iPhone nhưng vẫn giữ được ngoại hình mỏng nhẹ, các nhà sản xuất Android phải làm tốt hơn Apple về mặt kĩ thuật. Họ sẽ phải chạy để bắt kịp với một Apple đang đi bộ. Pin bự hơn cũng có nghĩa là sẽ tốn nhiều thời gian hơn để sạc, thế nên mới có những giải pháp sạc nhanh ra đời.
Lấy ví dụ cụ thể với Samsung, cách mà hãng này chọn để cạnh tranh với iPhone luôn giống nhau kể từ khi Galaxy S đời đầu xuất hiện. Samsung cố gắng chạm đến một cột mốc phần cứng nào đó trước Apple, ví dụ như màn hình cong, chip mạnh, RAM nhiều, bộ nhớ tốc độ cao...
Năm nay chiếc Note 7 cũng thế, nhưng đáng tiếc nó đã gặp vấn đề về pin cháy nổ. Trong cuộc đua để tăng dung lượng pin lên cao hơn và sạc nhanh hơn, Samsung dường như đã phạm sai lầm và để một lỗi nghiệm xảy ra trong quá trình sản xuất. Không chỉ Samsung mà tất cả các nhà sản xuất Android khác đều chấp nhận một rủi ro tương tự.
Nói đi thì cũng phải nói lại. iPhone dùng ít điện hơn so với những đối thủ Android khác bởi vì không có cái nào sở hữu độ phân giải cao hơn Full-HD, trong khi thế giới Android giờ 2K đã là phổ biến. Những màn hình 2K này vẫn rất tốt, nhưng nếu so với iPhone Plus thì nó không khác biệt nhiều hay có thể bức phá lên khỏi iPhone ở khoảng cách xa (trừ chiếc LG G5, quá đẹp, và cũng không bàn tới iPhone 6/6s với độ phân giải thấp).
Cách của Apple là trang bị độ phân giải vừa đủ cho thiết bị của mình, đủ đạt mức "Retina" mà hãng muốn rồi dừng lại ở đó (trừ việc sử dụng để xem VR). Việc này giúp rất nhiều cho khả năng tiêu thụ điện của máy, vì màn hình là một trong những linh kiện rút pin nhiều nhất ở bất kì chiếc điện thoại nào.
Tất nhiên, bản thân Apple cũng không đứng yên để các đối thủ mặc sức chạy trước. iPhone 7 là chiếc iPhone đầu tiên có khả năng chống nước (một cách chính thức), thêm loa stereo, nâng cấp kết nối LTE-Advanced cho nhanh hơn... Trong khi những hãng khác vẫn còn đang cố gắng tìm cách vượt mặt Apple, hãng âm thầm thêm vào những chức năng mà chiếc điện thoại của mình chưa có.
Ram
Quay trở lại với cấu hình, chúng ta hãy nói về RAM. iOS quản lý RAM theo cách "giết" hầu hết những ứng dụng chạy nền và loại bỏ chúng khỏi RAM. Trong khi đó, Android có xu hướng giữ lại những ứng dụng chạy nền này theo một cách "tự do" hơn so với iOS (nhưng kể từ Android 6.0, hãng cũng đang đi theo hướng của Apple với hệ thống quản lý RAM mới).
Kết quả là các máy iOS thường chạy mượt hơn so với những máy Android có cùng cấp hình trong khi RAM ít hơn đáng kể. Những thiết bị mới được cài sẵn Android 6.0 mà mình từng trải nghiệm chạy ngon hơn kha khá so với trước, ít ra thì chúng ta cũng đang thấy sự cải thiện từ phía Google.
CPU
Có một thứ quan trọng mà nãy giờ chúng ta chưa bàn tới: CPU. Chip A10 Fusion trên iPhone 7 là lần đầu tiên SoC do Apple thiết kế có 4 nhân xử lý. Tất cả những đời iPhone, iPad từ trước trở về năm 2011 đều chỉ dùng 1 nhân mà thôi. Đây có thể xem như đợt chuyển đổi lớn nhất kể từ khi Apple bắt đầu đưa kiến trúc 64-bit vào những con chip của mình.
Vì sao gọi là Fusion? A10 có 2 nhân mạnh và 2 nhân tiết kiệm điện, chạy theo kiểu big.LITTLE dựa trên cấu hình của ARM. Khi nào cần xử lý tác vụ nặng thì các nhân mạnh sẽ đảm nhận, khi nào làm những việc nhẹ nhẹ dạng như gọi điện hay lướt web thì hai nhân tiết kiệm điện sẽ bật lên. Có vẻ như cả 4 nhân cũng có thể được bật lên cùng lúc nhưng mình chưa thể khẳng định chắc chắn vì nó còn phụ thuộc vào cách mà Apple triển khai big.LITLLE như thế nào.
2 nhân mạnh đem tới hiệu năng nhanh hơn 40% so với A9 năm ngoái và gấp đôi so với A8 (Apple nói thế). Theo những kết quả benchmark sớm thì các nhân này chạy ở xung 2,33GHz, nhanh hơn 25% so với con số 1,85GHz của A9. Việc này đưa SoC của Apple tiến gần hơn với xung nhịp của Snapdragon 8xx và có vẻ như nó vượt cả OnePlus 3 hay Galaxy S7 Edge. Tất nhiên, trải nghiệm chung lại là chuyện khác và chúng ta sẽ phải chờ thêm. Còn 2 nhân yếu chưa rõ là sử dụng Cortex hay lại là nhân do Apple tùy biến.
Lúc trước, với Android, một con chip càng có nhiều nhân thì càng được đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay các hãng làm chip đều đang tối ưu hóa số nhân lại để đạt hiệu năng cao trong khi vẫn tiết kiệm được. Điển hình là Snapdragon 820, nó chỉ dùng 4 nhân tùy biến trong khi Snapdragon 810 vẫn còn xài 8 nhân. Theo Qualcomm, việc giảm nhân đã giúp Snapdragon 820 dễ quản lý hiệu năng hơn và rõ ràng không còn tình trạng quá nóng như 810 hồi năm ngoái.
Nhưng cái đáng nói hơn, đó là Apple có thể tự thiết kế nhân xử lý cho phù hợp với chỉ thiết bị của mình mà thôi. Chấm hết. Trong khi đó, Qualcomm hay MediaTek phải làm chip cho rất nhiều hãng khác nhau. Đó cũng là một bất lợi mà các OEM Android phải chấp nhận, rằng con chip làm ra không được tối ưu 100% dành cho thiết bị của mình. Sự phân mảnh trong thế giới Android đã khiến việc tùy biến cho từng dòng máy một trở thành điều không thể vì quá sức đắt đỏ và tiêu tốn nguồn lực của tất cả các bên liên quan. Khi mà bạn có thể tự làm phần cứng, phần mềm và chip của riêng mình thì bạn mới thật sự khai thác được hết năng lượng của bộ ba này.
Hiện trong thế giới Android chỉ có Samsung với chiếc S7 và Note 7 là sử dụng nhân tùy biến của riêng Samsung mà thôi. Samsung Galaxy S7e chính hãng Việt Nam sử dụng chip xử lý 8 nhân, trong đó có 4 nhân Mongoose. Nghe tên tầm thưởng nhỉ, nhưng đây chính là điểm độc đáo nhất của Galaxy S7e mà Samsung không đề nhiều. Mongoose, hay còn có tên mã M1 chính là nhân xử lý đầu tiên mà Samsung thiết kế dựa trên vi kiến trúc ARM, vậy nên hãng có thể thoải mái tùy biến nó theo yêu cầu của mình, theo mức tiêu thụ điện mà hãng muốn. Tất cả flagship khác, từ HTC, Sony, LG cho đến Xiaomi đều dùng chip có sẵn.
Camera
Với camera của iPhone 7, Apple nhảy từ khẩu f/2.2 lên f/1.8. Ngoài ra, công ty cũng trang bị chức năng chống rung quang học cho dòng không Plus của mình. Thực chất những tính năng này đều có trên các điện thoại Android từ rất lâu, nhưng tính dễ dùng và chất lượng ảnh cao kết hợp lại đã giúp việc chụp ảnh với iPhone trở thành một thứ phổ biến và người dùng không cần phải suy nghĩ nhiều về nó. Không phải ngẫu nhiên mà top 6 máy ảnh được xài nhiều nhất trên Flickr trong năm 2015 đều là iPhone. iPhone có thể không có chế độ chỉnh tay phức tạp như G5, nhưng đó không phải là thứ mà đại bộ phận người dùng cần tới.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa mình khẳng định chất lượng ảnh của iPhone 7 là vô đối vì chúng ta vẫn chưa được trải nghiệm nó. Khi nào có máy ở Việt Nam, các anh em Camera Tinh tế chắc chắn sẽ xách máy đi chụp thử để mọi người cùng xem.
Kết lại, chúng ta có thể thấy rằng lợi thế của iOS không chỉ nằm ở hệ sinh thái hay trải nghiệm tốt mà còn nằm ở chính bản thân chiếc điện thoại. Cấu hình thô của iPhone khi so với các máy Android chỉ là ruồi muỗi, nhưng thực chất chúng vẫn mang lại những giá trị quan trọng cho người dùng. Và cuộc đua cấu hình giữa Android với iPhone sẽ vẫn còn là một cuộc chiến dài.