Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch 2017
TIN LIÊN QUAN | |
Chỉ số PMI bật tăng trở lại lên 53,3 điểm trong tháng 9 | |
Nền kinh tế đang bứt tốc | |
Kinh tế Việt Nam vẫn khả quan |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. (Nguồn: VGP) |
Nhiều khả năng hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu Quốc hội giao
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả kinh tế-xã hội khá toàn diện mà đất nước ta đạt được trong 9 tháng năm 2017. Nổi bật là tăng trưởng GDP có bước đột phá (quý 3 tăng 7,46%); kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc. Theo Thủ tướng, với những kết quả đạt được, nhiều khả năng đây là sẽ năm đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thống nhất nhận định chuyển biến về tình hình kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2017 là rất tích cực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế được cải thiện rõ nét, quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, riêng quý 3 tăng đột phá 7,46%, nhờ đó tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%. Kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm khiến mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% khả thi hơn.
Đáng mừng là tăng trưởng GDP cải thiện, nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu đề ra, tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với bình quân 8 tháng (3,84%); lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, các cân đối lớn được bảo đảm. Dự trữ ngoại hối đạt 44 tỷ USD...
Theo Thủ tướng, đạt được kết quả nêu trên là do chúng ta đã chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trong đó đã chú trọng vào chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đó là việc đã nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục và tập trung mạnh vào khâu hậu kiểm; cả hệ thống có sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm rào cản; trung tâm hành chính công ở các địa phương, cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đã phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn khi vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu, mới đạt gần 55%. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11,8 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch 60 nghìn tỷ đồng).
Không được chủ quan, lơ là, thỏa mãn
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xãhội tháng 9 và 9 tháng năm 2017 là tích cực, song không phải vì thế mà chủ quan, lơ là, thỏa mãn. Trong thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung mạnh vào khâu thực thi. Bởi để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% thì quý 4 phải tăng 7,4-7,5%, con số không phải dễ dàng.
“Chúng ta phải theo dõi sát tình hình để có đối sách phù hợp với những vấn đề phát sinh. Tôi đề nghị các đồng chí tư lệnh ngành tiếp tục sâu sát, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; siết chặt kỷ cương hành chính, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch 2017”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt, qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Thực hiện các biện pháp nhằm tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; quản lý tốt thị trường ngoại tệ, vàng.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước. Chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời quyết liệt tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thực chất nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, làm ăn hiệu quả, bền vững, lâu dài. Thiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đi đôi với thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu…
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu cần chuẩn bị tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 để đưa vào triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu năm 2018.