Phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tránh phụ thuộc ngân hàng
Năm 2015, thông qua HNX, NSNN đã huy động được gần 250 nghìn tỷ đồng TPCP; năm 2016 mục tiêu sẽ là 220 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế đòi hỏi hiện nay là bên cạnh việc phát triển kênh TPCP tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cơ quan Nhà nước cũng cần có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), giúp các DN huy động vốn được nhiều hơn để tránh phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX cho biết, năm 2016, bên cạnh việc tiếp tục phát triển thị trường TPCP, HNX sẽ tập trung triển khai đề án phát triển thị trường TPDN và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Với đề án phát triển thị trường TPDN, bà Lan cho biết, sau khi thị trường TPCP đã có bước phát triển tích cực thì đến nay đã tạo nền móng vững chắc để bắt đầu xây dựng thị trường này.
“Hiện nay nhu cầu trong huy động vốn của các DN đã khác, họ không thể dựa nhiều vào ngân hàng, nên phải có kênh cho họ huy động vốn. TPDN vừa qua phát hành lẻ tẻ, chưa hiệu quả do thông tin chưa minh bạch. Đề án đang trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Tôi không dám hứa, nhưng khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin ngay cho thị trường”, bà Lan nói.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX cũng cho biết, TPCP những năm qua đã rất tốt, góp phần quan trọng cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Vấn đề hiện nay là làm sao đưa thị trường chứng khoán không chỉ là một kênh huy động vốn cho NSNN mà còn là kênh huy động vốn cho DN.
Ông Long cho rằng, giữa thị trường vốn và thị trường ngân hàng có sự khác nhau về tính chất. Dù cả hai thị trường này đều là huy động vốn nhưng một thị trường (ngân hàng) huy động ngắn hạn, còn một thị trường (chứng khoán) huy động trung và dài hạn Vốn vào ngân hàng là vốn từ người dân, DN gửi… đây là nguồn vốn gián tiếp, vì đi qua kênh trung gian là hệ thống ngân hàng. Kênh dẫn vốn trực tiếp là kênh từ thị trường chứng khoán. Ở đó, NĐT trực tiếp mua vào thông qua mua cổ phần, cổ phiếu.
Chính vì vậy, đây cũng là lý do lý giải thích tại sao các nước phát triển sau khủng hoảng họ phải tập trung phát triển rất mạnh thị trường vốn, phải đầu tư mạnh hơn vào kênh dẫn vốn trực tiếp vì nó có ý nghĩa rất quan trọng là gắn NĐT với DN, gắn trách nhiệm DN với NĐT thông qua công bố thông tin và trách nhiệm giải trình, bảo vệ nguồn vốn của cổ đông, giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Không những thế, kênh dẫn vốn trực tiếp này còn giúp quản trị công ty minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro hơn. “Đây là sự khác biệt mà chúng ta sẽ phải phát triển mạnh hơn kênh huy động vốn này trong thời gian tới”, ông Long nhấn mạnh.
Song, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là để khơi thông kênh huy động này, chúng ta phải mở rộng nhu cầu về vốn để bên có vốn nhàn rỗi và bên cần vốn nhàn rỗi có một sân chơi với nhau. Bên cần vốn nhàn rỗi tham gia vào thị trường này phải được mở rộng, nghĩa là bên sơ cấp, tổ chức phát hành phải đa dạng hơn, mở rộng hơn, không chỉ là một số DN mà rất nhiều loại hình DN… Chính sách phải từng bước được mở rộng, cho phép các tổ chức phát hành được quyền huy động vốn trên thị trường này.
Song, ông Long cũng cho rằng, thời điểm này TTCK đang phát triển, chất lượng hàng hóa, NĐT đã đủ độ chín, nhưng giá trị kế toán đôi khi còn bị bóp méo so với giá trị thật nên việc cho phép phát hành phải dựa trên điều kiện thực. Nghĩa là DN phải có điều kiện mới được phát hành. Giống như ngân hàng, chỉ khi nào DN đáp ứng được các điều kiện nhất định thì mới có thể tiếp cận được vốn.
Thông lệ quốc tế khi thị trường vốn đạt đến mức độ nào đó sẽ khơi thông khâu phát hành cho DN và tổ chức phát hành, nghĩa là khi tổ chức phát hành có nhu cầu huy động vốn sẽ cho phép phát hành dựa trên công bố thông tin. Còn hiện nay chúng ta mới dựa trên cơ chế chấp thuận.
“Sắp tới, các DN, tổ chức phát hành phải cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về nhu cầu vốn, thông tin dự án… mới được phép phát hành TPDN. Việc cung cấp và công bố thông tin về DN và dự án sẽ giúp đưa thị trường gần hơn với NĐT mạo hiểm. Đây cũng là mục tiêu dài hạn đến 2020 mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HNX hướng tới. Khi các vấn đề này xử lý được, chúng tôi còn cho DN phát hành TP dưới mệnh giá… Đây là câu chuyện dài nhưng sẽ là giải pháp chính hỗ trợ cho DN trong huy động vốn từ việc bán cổ phần, cổ phiếu và nó hỗ trợ rất nhiều cho TPDN”, ông Long cho biết.