Phát triển chuỗi tiêu thụ rau, thịt an toàn: Nhu cầu cấp thiết
Nông nghiệp hữu cơ: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp | |
Khẳng định vị thế cho nông sản sạch |
Xây dựng 65 chuỗi kết nối
Ông Tạ Văn Tường – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà, Hà Nội sản xuất (SX) ra cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu còn các mặt hàng khác như thủy hải sản đáp ứng được 5%, thịt bò khoảng 15%... Điều này cho thấy, nhu cầu về lương thực, thực phẩm “sạch” của Hà Nội là rất lớn. Chính vì vậy, việc hợp tác phát triển SX, trao đổi nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố là rất cần thiết.
Sản lượng rau, thịt sạch cung cấp vào các siêu thị và hệ thống bán lẻ vẫn chưa nhiều |
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, sau 3 năm triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ SX đến tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh, thành phố trong Ban điều phối cung cấp chuỗi rau, thịt cho Hà Nội đã xây dựng 377 chuỗi tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hà Nội cũng đã kết nối được 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đắk Lắk. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp tục hỗ trợ tem điện tử thông minh QR code cho 15 cơ sở với 250 dòng sản phẩm của các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng... đưa về Hà Nội tiêu thụ để người dân nhận biết và lựa chọn sản phẩm an toàn, có chất lượng.
Đánh giá về sự phối hợp phát triển chuỗi liên kết này trong thời gian vừa qua, đại diện Sở NN&PTNT Nam Định cho hay, các sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn của tỉnh Nam Định đã ngày càng được thị trường Hà Nội tiếp nhận với số lượng lớn. Công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm nông thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, cơ sở SX kinh doanh, cơ quan quản lý đã được nâng lên rõ rệt. Sự phối hợp, hợp tác phát triển giữa các cơ quan quản lý, các DN hai tỉnh đã đi vào thực chất và hiệu quả.
Tình trạng vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã giảm rõ rệt; các liên kết chuỗi SX kinh doanh nông lâm thủy sản được hình thành và phát triển; giá trị sản phẩm, hiệu quả SX kinh doanh được nâng lên đáng kể, nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản của Nam Định đã khẳng định được thương hiệu, vị trí trên thị trường Hà Nội và xuất khẩu.
Vẫn thiếu và yếu
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp, phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP. Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Một số Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm. Chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản, sản lượng để các cơ quan quản lý, DN của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh, thành còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng. Công tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều bất cập, ông Tạ Văn Tường cho biết thêm.
Ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội chia sẻ, là DN tiên phong trong cuộc cách mạng cho công nghiệp hóa ngành trứng gia cầm với mục tiêu: sạch và an toàn, đến nay, Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm 2 trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao quy mô trên 50 ha, tổng đàn 4 triệu con tại Bình Dương và Long An, 2 nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với tổng công suất trên 300.000 trứng/giờ, 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương công suất 20 tấn/giờ, 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An tổng công suất 50 tấn/ngày.
Là một DN làm theo chuỗi, nhưng bản thân DN gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hùng cho hay, làm chuỗi rồi, an toàn rồi nhưng bản thân người tiêu dùng không thay đổi thói quen tương thích với tiến bộ khoa học kỹ thuật, không tiếp cận tri thức tiêu dùng hiện đại thì thật sự nan giải. Đầu tư khủng, tổ chức bán hàng chuẩn, nhưng giá bán bằng với giá những sản phẩm trôi nổi, bằng những DN không đầu tư chuẩn, thậm chí còn tham gia bình ổn thị trường, trách nhiệm của DN xây dựng chuỗi rất nặng nề.
Để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn, bà Vũ Thị Hà - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại cần có thêm các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các mô hình SX an toàn theo tiêu chuẩn thực hành SX nông nghiệp tốt - VietGAP, GlobalGAP; tăng cường kết nối các DN với các địa phương, đơn vị cơ sở SX và nông dân trong chuỗi SX an toàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, các chuỗi SX vẫn còn ít, sản lượng rau thịt cung cấp vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ vẫn chưa nhiều. Vấn đề giám sát ATTP, truy xuất rõ nguồn gốc tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống còn hạn chế.
Do đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, bước sang năm 2018 Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần nhân rộng những kết quả đã đạt được, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về ATTP. Phát huy các chuỗi SX an toàn. Ưu tiên quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống để người tiêu dùng yên tâm, chuẩn bị tốt thực phẩm an toàn cho dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường kết nối, học tập các mô hình của các tỉnh, thành phố và tổ chức lại các hộ SX nhỏ lẻ thành vùng nguyên liệu cung cấp cho các DN lớn.
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, ngoài việc thực hiện liên kết chuỗi với các tỉnh, thành để cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội, cần làm mạnh hơn khâu quảng bá sản phẩm. Ngoài liên kết “4 nhà” cần liên kết nhiều hơn với truyền thông để đẩy mạnh khâu giới thiệu, tuyên truyền sản phẩm đến với người tiêu dùng.