Khẳng định vị thế cho nông sản sạch
Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch | |
Hợp tác cung ứng nông sản sạch |
Hỗ trợ nông sản sạch
Thời gian qua, các bộ, ngành, Trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến việc quản lý, chứng nhận, hướng dẫn và hỗ trợ sản xuất nông sản an toàn. Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực vào cuộc hỗ trợ tín dụng để nông dân được tiếp cận các gói vay ưu đãi trong việc sản xuất, đưa nông sản sạch ra thị trường...
Nông sản sạch vẫn gặp nhiều khó khăn trên thị trường |
Trên địa bàn cả nước, nhiều trang trại, gia trại của nông dân đã bước đầu phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, đưa nông sản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đến các siêu thị, chợ đầu mối. Thế nhưng, trên thực tế, do nhiều vướng mắc nên đầu ra cho nông sản sạch vẫn chưa thể khơi thông. Mặt khác, thực trạng tư thương phá giá, ép giá khi thu mua, bao tiêu nông sản sạch của nông dân vẫn còn tồn tại bất cập trong những năm qua.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã có quyết định 6593/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020”.
Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2020, Nghệ An sẽ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để đẩy mạnh giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân. Đề án cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành trong việc triển khai các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP…
Để thực hiện tốt chủ trương chung của tỉnh theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tại huyện Quỳnh Lưu, địa phương được xem là vựa rau của Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Hiệu quả bước đầu về các dự án sản xuất rau, củ, quả… an toàn đã được các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt như ở xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, Tân Sơn…
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đến thời điểm hiện nay, Quỳnh Lưu đã triển khai được hơn 1 nghìn ha sản xuất rau màu các loại. Trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng chuyên canh Bãi Ngang ven biển với diện tích khoảng 800 ha. Sản lượng rau màu toàn huyện đạt hơn 50 nghìn tấn/năm.
Đặc biệt, thời gian qua, Quỳnh Lưu còn hỗ trợ, duy trì xây dựng mô hình thí điểm trồng rau sạch theo hướng VietGAP ở xã Quỳnh Lương với diện tích khoảng 10 ha. Từ kết quả bước đầu ở Quỳnh Lương, huyện cũng đang xúc tiến triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP rộng hàng chục ha ở địa bàn xã Quỳnh Minh và Quỳnh Bảng...
Mô hình sản xuất nông sản an toàn ở huyện Quỳnh Lưu cũng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành liên quan trong thời gian qua. Mới đây, đoàn chuyên gia nông nghiệp tỉnh Gifu (Nhật Bản) cũng đã đến tham quan, nghiên cứu các mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Quỳnh Lưu.
Đoàn chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã ghi nhận, đánh giá cao tiềm năng, lợi thế về mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch, đảm bảo chất lượng của huyện Quỳnh Lưu để liên kết đầu tư. Đây là tín hiệu vui đối với người nông dân khi trực tiếp tham gia sản xuất nông sản theo mô hình an toàn, đạt chuẩn VietGAP.
Còn những khó khăn
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại hiện nay là tình trạng nông sản bẩn đang đe dọa đến ngành sản xuất nông nghiệp sạch ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, nhiều cơ quan truyền thông cũng đã phát đi những cảnh báo về rau, củ, quả… nhiễm hoá chất gây ung thư cho người tiêu dùng.
Hay là những lô hàng nông sản nhập lậu từ nước ngoài về rồi gắn mác hàng hoá sạch được sản xuất trong nước để đánh lừa các “thượng đế”… Điều này cũng ảnh hưởng tới nhà sản xuất nông sản sạch trong nước khi sản phẩm của mình làm ra bị đánh tráo lẫn lộn thật, giả.
Hiện, tại TP. Vinh cũng như trung tâm các huyện, lỵ trên địa bàn Nghệ An đã xuất hiện các cửa hàng được công nhận bán buôn nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Đây là hướng mở cho ngành sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, do tâm lý bị ám ảnh bởi thị trường nông sản, thực phẩm bẩn còn âm ỉ trong tâm lý người tiêu dùng nên các cửa hàng nói trên vẫn còn rất vắng khách.
Ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang tiến hành các biện pháp để triển khai xúc tiến thương mại trên lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản. Tuy nhiên, để nông sản sạch thực sự có chỗ đứng trên thị trường thì khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có vai trò rất quan trọng.
Đặc biệt, chất lượng về nông, lâm, thuỷ sản cần phải đặt lên hàng đầu vì nó sẽ quyết định đến thương hiệu, sự sống còn của ngành nông nghiệp. Muốn vậy thì xâu chuỗi các mối liên kết trong vấn đề sản xuất an toàn ngay từ đồng ruộng, trang trại… phải có sự cam kết thực hiện một cách chặt chẽ.
Trên thực tế, vấn đề mất vệ sinh ATTP đang trở thành câu chuyện được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn kinh tế - xã hội trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, “bài toán” đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản hiện nay vẫn chưa có lời giải để “minh oan” cho thực phẩm sạch theo đúng quy trình vốn có của nó.
Có một câu chuyện về 2 bác nông dân cùng điều trị ở bệnh viện K tâm sự với nhau rằng: Bác A ở tỉnh N chuyên trồng rau nhưng thường xuyên để lại một luống riêng cho gia đình mình ăn. Còn lại đều phải phun thuốc sâu, kích thích mới có lãi trong sản xuất. Còn bác B ở tỉnh G chuyên trồng chè và vẫn thực hiện để lại riêng cho mình một luống để uống. Bác nông dân trồng chè bán loại chè không sạch cho bác nông dân trồng rau và ngược lại.
Câu chuyện mấu chốt ở chỗ, dù để dành phần rau sạch, chè sạch cho mình nhưng họ, những người trực tiếp sản xuất vẫn không thể tránh khỏi việc mua phải nông sản, rau củ quả bẩn. Đó là một trong những thực tế đang trở thành vấn nạn trong suốt thời gian qua đe dọa nghiêm trọng tới ngành sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Chính vì vậy, để đối phó, đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán nông sản bẩn còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, ngành nông nghiệp cần có nhiều giải pháp “tuyên chiến” mạnh tay với nông sản bẩn hơn nữa.
Để làm được điều đó, cần xâu chuỗi hệ thống sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được thực hiện đồng bộ. Bên cạnh, khâu bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá cả đầu ra cho nông sản an toàn cần được chú trọng, tránh điệp khúc quen thuộc “được mùa, rớt giá” như trong thời gian qua.