Phát triển đồng bộ giải pháp TTKDTM
Từ ví điện tử nhìn về thanh toán không dùng tiền mặt | |
Thu phí là chuyện nhỏ, phát triển TTKDTM mới là chuyện lớn | |
Triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2011 – 2015 |
Đa dạng dịch vụ thanh toán
Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
Đây cũng là thời điểm các nhà hoạch định chính sách nhìn lại sau 5 năm triển khai Đề án này của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Và có thể khẳng định, sau hàng loạt giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và của ngành NH, lĩnh vực TTKDTM cũng đã đạt được bước tiến dài cả về nhận thức và hành động cụ thể của người dân, sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, thanh toán.
Quẹt thẻ tại siêu thị là phương thức thanh toán tiện lợi cần được đẩy mạnh |
Theo dữ liệu của Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tỷ trọng giá trị giao dịch rút tiền mặt đã giảm 12,5% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng về giá trị giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chuyển mạch quốc gia NAPAS đạt 174% so với năm 2015. Đặc biệt sau khi hợp nhất dịch vụ chuyển tiền điện tử, với mạng lưới 39 NH triển khai trên tất cả các kênh giao dịch ATM, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, doanh số dịch vụ chuyển tiền điện tử 24/7 qua hệ thống chuyển mạch quốc gia NAPAS đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015.
Từ số liệu trên có thế thấy, sự dịch chuyển tỷ trọng giao dịch tiền mặt sang giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ là tín hiệu lạc quan cho thị trường, khẳng định các giải pháp đồng bộ của NHNN, các NHTM và việc sáp nhập 2 tổ chức thanh toán là Banknetvn và Smartlink thành một tổ chức đang từng bước phát huy hiệu quả.
Về mặt hạ tầng phục vụ cho TTKDTM cũng có bước phát triển mạnh với trên 17.330 ATM và hơn 240.660 POS được các đơn vị lắp đặt. Số lượng thẻ phát hành đã tăng gấp 3,48 lần so với cuối năm 2010.
Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ NH để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến; đồng thời, các NHTM cũng quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ NH. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được phát triển rộng khắp, khá tiên tiến, kể cả khu vực nông thôn, hải đảo, phục vụ tốt cho thanh toán điện tử.
Ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, trong giai đoạn 2011 đến nay, các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi; số lượng khách hàng sử dụng, số lượng và giá trị giao dịch tăng cao.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển các phương tiện truyền thống, nhiều dịch vụ, phương tiện mới, hiện đại, tiện lợi và tiện ích dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin như: Thẻ NH, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, Ví điện tử… đã hình thành và đang đi dần vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phải đảm bảo an toàn, tiện lợi trong thanh toán
Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 2545/QĐ-TTg đã đề ra một số mục tiêu rất cụ thể như đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; Phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán; nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ.
Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm. Bên cạnh đó là thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng...).
Để triển khai quyết định trên, NHNN cũng đã có Công văn số 343/NHNN-TT ngày 19/01/2017 đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và NAPAS chủ động nghiên cứu, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp tại đơn vị mình.
Theo Vụ Thanh toán, phát triển thanh toán điện tử và thanh toán thẻ cần được đặt trong tổng thể phát triển TTKDTM nói chung, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý một cách đồng bộ để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Thứ hai, mở rộng, nâng cấp, cấu trúc lại Hệ thống thanh toán điện tử liên NH (IBPS) do NHNN quản lý và vận hành, với mục tiêu tiến tới Việt Nam có hệ thống thanh toán an toàn, tiên tiến trong khu vực, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để sẵn sàng hội nhập, đảm bảo được vai trò quản lý Nhà nước của NHNN, hiệu quả, tiết kiệm về mặt chi phí.
Thứ ba, xây dựng Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) tại Việt Nam, nhằm xây dựng hạ tầng thanh toán bù trừ liên NH bán lẻ, hoạt động liên tục; đảm bảo an ninh, an toàn; nâng cao hiệu quả của hệ thống thanh toán bán lẻ; cho phép NHNN thực hiện giám sát tập trung các hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam.
Cuối cùng là, tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM. Trong đó, các NHTM xây dựng hệ thống thanh toán nội bộ hiện đại nhằm tự động hóa quy trình giao dịch; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán; hoàn chỉnh quy trình thanh toán trong điều kiện mới… Cùng với đó, theo các chuyên gia, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có các chính sách về thuế (như giảm thuế với những hóa đơn TTKDTM), đẩy mạnh công tác truyền thông, để kích thích người dân sử dụng các phương thức TTKDTM.