Phát triển mô hình năng lượng sạch
Shophouse thông minh sử dụng 100% năng lượng sạch | |
Bình Thuận: Du lịch phát triển cùng điện gió, điện mặt trời | |
Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước |
Theo đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch và tái tạo, nhưng chưa được tận dụng triệt để đó là bãi biển dài từ miền Trung trở vào thuận lợi cho phát triển năng lượng điện mặt trời. Theo tính toán của USAID, đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng gấp 3 lần hiện nay, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch là rất cần thiết, trong đó cần phát huy thế mạnh từ năng lượng mặt trời.
Phát triển các nguồn năng lượng sạch là rất cần thiết |
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh sẽ tạo môi trường hành chính của một quốc gia thuận lợi. Ở môi trường đó, lãnh đạo thành phố sẽ sử dụng những thông tin tổng hợp, còn người dân sẽ quan hệ với chính quyền thành phố như là một đối tác phản hồi để thành phố có những quyết sách đúng đắn. Trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Nike, Apple, Autodesk, Coca-Cola, General Motors, Google… cũng đã cam kết sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Nếu Việt Nam muốn thu hút và giữ chân các nhà đầu tư này thì cần sớm có những chiến lược và hành động cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo.
Về vấn đề sử dụng năng lượng sạch, ông Sanket Ray, đại diện Coca-Cola Việt Nam, cho biết dự án điện năng lượng mặt trời đang được triển khai tại công ty và sẽ đi vào hoạt động thời điểm này năm sau. Đây sẽ là hình mẫu trong xu hướng phát triển mới cho các nhà máy của Coca-Cola trong khu vực.
Ông Gavin Smith, đại diện của Quỹ đầu tư Dragon Capital, chia sẻ thêm: 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đã cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch vào năm 2020. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng sạch đang phát triển rất mạnh. TP.HCM cần khoảng 1 tỷ USD để phát triển năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu của xã hội và sản xuất. Cách hiệu quả nhất để thu hút được nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này chính là ngành điện phải trở thành những người mua có thiện chí và sẵn sàng mua điện từ các nhà đầu tư. “Việt Nam chỉ cần tạo thị trường sẽ có các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Gavin Smith khẳng định.
Cùng quan điểm này, ông Bryan Spear (Công ty Trilliant Inc. - Hoa Kỳ) cho rằng, cùng với khai thác phát triển các nguồn năng lượng khác, Việt Nam cần có kế hoạch tiêu thụ năng lượng hợp lý, nhất là ứng dụng công nghệ đo lường điện thông minh để kiểm soát tốt năng lượng, đồng thời kiểm soát tốt hành vi người tiêu dùng. Tại TP. HCM, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn đầu năm 2013 chỉ có 200 KWp, thì cuối năm 2016 đã tăng lên khoảng 1,5 MWp (tốc độ phát triển tăng hơn 50%/năm).
Với riêng TP. HCM, hiện nay thành phố đang đối mặt với vấn đề môi trường do lạm dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó là các vấn đề như: ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi truờng… chính vì vậy, thành phố đang tìm kiếm các giải pháp thông minh để khắc phục các hạn chế hiện tại và kết nối với người dân.
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM, thành phố đang ra sức tìm các giải pháp, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác hại đối với môi trường do lạm dụng các nguồn năng lượng truyền thống; đồng thời xây dựng thành phố thành đô thị thông minh nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua ứng dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại. Ông Hoan khẳng định những kinh nghiệm cũng như công nghệ của các DN Hoa Kỳ là rất cần thiết cho thành phố học hỏi và ứng dụng.
Hiện nay, tại khu công nghệ cao TP.HCM có 2 đơn vị sản xuất điện mặt trời là Tập đoàn Intel và tòa nhà ban quản lý. Hiện tại, Tập đoàn Samsung đang có dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời tại khu công nghệ cao với công suất 20 MW. Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao cũng đã quy hoạch, tận dụng các khoảng không để lắp đặt điện mặt trời, tổng diện tích ước tính trên 20 ha.