Bình Thuận: Du lịch phát triển cùng điện gió, điện mặt trời
Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước |
Tiếp tục chuyến công tác tại miền Trung, ngày 19/9/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ và các cán bộ chủ chốt sở, ngành tỉnh Bình Thuận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế như có vị trí liền kề các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có điều kiện phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Nhưng Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước, kinh tế Bình Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Mặc dù có lợi thế về du lịch, có một số khu du lịch cao cấp, nhưng nhìn chung phát triển còn manh mún, kém hiện đại, dịch vụ chưa phong phú, kết nối quốc tế còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp, du lịch cao cấp chưa phát triển, đóng góp vào tăng trưởng và thu ngân sách còn hạn chế. Kinh tế biển của tỉnh phát triển còn chậm, thiếu bền vững.
Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp. Công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu. Kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển còn thiếu. Một số mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế du lịch và khai thác tài nguyên khoáng sản titan ven biển hoặc giữa phát triển kinh tế du lịch và phát triển kinh tế hải sản chưa được giải quyết triệt để…
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Trung ương quan tâm, tháo gỡ những vướng mắc cho Bình Thuận để Bình Thuận phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Nhấn mạnh lợi thế của tỉnh Bình Thuận trong việc phát triển du lịch và phát triển điện gió, điện mặt trời, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng gợi mở các chính sách để thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Tỉnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, đặc biệt hệ thống hồ đập cùng hệ thống kênh mương kết nối giữa các hồ để phòng chống hạn hán, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt và ổn định đời sống của nhân dân.
Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước nên cần phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn để đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển trong những năm tiếp theo. Tỉnh nên xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn nước và theo hướng tiết kiệm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sớm có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho tỉnh. Với các kiến nghị vượt quá thẩm quyền của các bộ ngành và Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đã ghi nhận để có báo cáo lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cũng trong chương trình công tác tại Bình Thuận, chiều ngày 19/9, đồng chí Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã khảo sát và làm việc Dự án điện gió Phú Lạc tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong và Dự án nuôi bò của Công ty TNHH Thông Thuận, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình để đánh giá thực tế tình hình triển khai các dự án năng lượng điện tái tạo và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.