Phí nhiều, thủ tục hành chính nặng gánh
Để hộ kinh doanh vươn mình lớn dậy | |
Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là phương sách quan trọng |
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 20/5/2017 với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp". Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị, lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của DN. Hội nghị cũng nhằm sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.
Từ khi biết có hội nghị, DN và các hiệp hội đã gửi các ý kiến, kiến nghị và đã được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tập hợp lại 274 kiến nghị. Trong đó, gánh nặng phí và thủ tục hành chính là những vấn đề DN và các hiệp hội kiến nghị nhiều nhất. DN cho rằng chính sách hỗ trợ DN chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN vẫn chậm được giải quyết…
Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên làm trưởng đoàn giám sát dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp |
Một tấn quặng gánh 17 loại thuế phí
“Theo điều tra của PWc, trong 22 nước có khai thác khoáng sản, không có nước nào thu tới 17 loại phí, thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách như Việt Nam”, theo Hiệp hội DN địa chất và khoáng sản Việt Nam. Hiệp hội này kê ra mỗi tấn quặng phải chịu 5 loại phí, 7 loại thuế, 5 khoản khác gồm tiền ký quỹ, tiền cấp quyền khai thác, lệ phí cấp phép. Bảng giá tính thuế và phí cũng không phù hợp, mức phí thì cao…
Công ty Xây dựng tổng hợp Minh Đức kêu, DN không sản xuất, không khai thác mà vẫn phải gánh chi phí tiền cấp quyền khai thác cố định hàng năm tính trên trữ lượng ghi ở giấy phép khai thác. Doanh thu không có mà DN vẫn phải nộp phí này sẽ là thu không đủ bù chi phí, đẩy DN vào tình trạng thua lỗ. DN đề nghị chỉ nộp khoản phí này theo khối lượng khai thác thực tế. Nhóm công tác khoáng sản của VBF - Diễn đàn DN Việt Nam cho rằng một số loại thuế và phí trong lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam đang cao hơn thế giới nên không khuyến khích được đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Việc giảm chi phí cho DN theo Nghị quyết 35 trên thực tế rất chậm”, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng phản ánh. Hiệp hội nêu thực trạng phí giao thông đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp cao khiến DN trốn trạm, chạy vòng theo tuyến đường huyện cho dù đường hẹp lái xe rất mệt nhưng tài xế chấp nhận hơn là qua trạm nộp phí. Đoạn đường Bạc Liêu đi đến Cần Thơ chưa tới 120 km nhưng kế hoạch là có đến 3 trạm thu phí, mật độ trạm quá dầy, người dân và DN rất kêu.
“Phí đường bộ với các dự án BOT thời gian qua tại một số tuyến đường đã gây ra không ít điều tiếng, khiến dư luận xã hội băn khoăn”, Hiệp hội DN quận Hải An, TP. Hải Phòng nêu ý kiến. Hiệp hội này kiến nghị: Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán một loạt các dự án BOT đã có kết luận và chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có những vấn đề đã được dư luận điểm mặt chỉ tên trước đó, đề nghị Nhà nước cần nhanh chóng yêu cầu xử lý những vấn đề đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận. Để tránh gây lãng phí xã hội và tạo ra một cách ứng xử trong văn hóa giao thông, cần giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, giảm phí về mức hợp lý sẽ giảm thiểu tình trạng xe trốn phí đường lớn chạy vào tỉnh lội huyện lộ khiến những con đường nay mau hỏng mà phí thì không thu được, Nhà nước lại phải bỏ thêm tiền cải tạo tỉnh lộ huyện lộ.
Công ty Dệt 10/10 lại kêu về phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng, mỗi năm Dệt 10/10 phải chi thêm 2,5 tỷ đồng. Đây cũng là vấn đề mà rất nhiều DN, hiệp hội DN và Diễn đàn Kinh tế tư nhân đã liên tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhiều lần trong mấy tháng qua. Dệt 10/10 cho biết lượng hàng xuất và nhập của DN này khoảng 5.000 container/năm. Chưa kể loại phí cảng biển mới của Hải Phòng mỗi container hàng xuất nhập khẩu đã phải chịu khoảng 5 loại phí, và số phí phải nộp là 1890 USD/container.
Không có giấy phép kinh doanh vận tải không được chở hàng!
Bên cạnh thuế, phí thì gánh nặng thủ tục hành chính, giấy phép con cũng là vấn đề của nhiều DN.
Ngân hàng Đại Dương phản ánh: Hệ thống hành chính vẫn còn phức tạp, làm mất nhiều thời gian của DN. Việc cải cách hành chính không đồng đều ở các địa phương. Chủ trương, chính sách của Nhà nước không được thực hiện đồng bộ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN. DN mà triển khai những chương trình hoạt động lớn ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ dành cho DN chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
“Một bộ phận cán bộ, công chức chưa có thái độ đúng mực khi làm việc với DN, một số cán bộ, chuyên viên thiếu kiến thức về pháp luật, vận dụng vụng về nên nhiều vấn đề của DN chưa được giải quyết, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN”, Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa phản ánh.
CTCP Thể thao DELTA (Thanh Hóa) kiến nghị bỏ các loại giấy phép con và điều kiện kinh doanh kiểu như DN phải có giấy phép kinh doanh vận tải mới được vận chuyển hàng hóa…
Hiệp hội DN quận Hải An phản ánh có rất nhiều quy định không hợp lý mà DN phải gánh chịu. Đó là do quy định bóng đèn chiếu sáng ở DN là chất thải nguy hại, thế nên mỗi năm chỉ thay, bỏ vài chiếc bóng hỏng (không bằng số bóng ở trụ sở UBND phường) nhưng DN phải mất 20 triệu đồng thuê “công ty có chức năng” xử lý.
“DN sai thì cơ quan công quyền phạt, cơ quan công quyền sai thì chẳng bao giờ chịu ngược lại. DN chậm nộp thuế thì bị phạt, cơ quan thông báo thuế sai theo thông báo đó DN nộp thừa số thuế phải nộp nhưng không bao giờ được hoàn trả số thuế nộp thừa”, Hiệp hội này phản ánh.
Văn phòng Chính phủ - Vụ Đổi mới DN đã chuyển kiến nghị của DN tới các địa phương, các bộ, các cơ quan liên quan cùng văn bản đề nghị “nghiên cứu xử lý các vấn đề DN kiến nghị, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/5 và chuẩn bị để trả lời tại Hội nghị”.