Để hộ kinh doanh vươn mình lớn dậy
Hộ kinh doanh chưa cảm nhận được lợi ích khi trở thành DN | |
Để khuyến khích hộ kinh doanh lên DN | |
“Lên đời” hộ gia đình |
Có kinh nghiệm nhiều năm ở vị trí quản lý đăng ký kinh doanh, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Khi nền kinh tế khó khăn, hộ kinh doanh chính là nơi trú ẩn”. Nhưng ở chiều ngược lại, khi nền kinh tế khởi sắc thì việc các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Hiện cả nước ước có 4,75 triệu hộ sản xuất kinh doanh, gấp khoảng 10 lần số DN đang hoạt động. Hay nói cách khác, cứ 19,3 người dân thì có 1 hộ kinh doanh và loại hình này tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động. Nhưng cũng vì vậy, quy mô hộ kinh doanh rất nhỏ: số lao động bình quân chỉ 1,7 người/hộ; 7,5% số hộ kinh doanh có quy mô vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, chỉ có 1,3% số hộ có mức vốn kinh doanh từ 5 tỷ đồng trở lên (tỷ lệ này ở nhóm DN là 26%).
Thúc đẩy chính thức hóa hộ kinh doanh nên dùng các đòn bẩy kinh tế |
Với danh nghĩa là lực lượng dự bị hùng hậu của DN Việt Nam, thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành DN được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu để hướng tới mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, đồng thời cũng là một hình thức mở rộng không gian phát triển cho các thực thể kinh doanh. Tuy nhiên, giải pháp này dường như không khả thi.
Kể từ năm 1999, Luật DN đã quy định hộ sản xuất kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập DN. Nhưng từ đó đến nay, đã 16 năm số hộ kinh doanh chuyển thành DN rất ít. Nghiên cứu “Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam - thực trạng và khuyến nghị chính sách” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra một thực tại, chỉ có 17,8% số DN thành lập mới vốn là hộ kinh doanh.
Vì sao các hộ kinh doanh vẫn “cố thủ” trong vỏ bọc không chính thức như vậy là điều cần suy nghĩ. Bởi theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế (CIEM), hộ kinh doanh sẽ có nhiều bất lợi hơn so với DN. Quyền kinh doanh của hộ bị hạn chế, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, chỉ được kinh doanh trong phạm vi quận, huyện đăng ký. Hộ chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động, lại không có chính danh để tham gia các ngành bảo hiểm, bất động sản, tín dụng… Khả năng tiếp cận thông tin hạn chế hơn và không được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, ưu đãi thuế…
Nhưng theo nghiên cứu của CIEM, hộ kinh doanh cũng có nhiều thuận lợi hơn DN. Trước hết là chi phí tuân thủ pháp luật về quản trị tại hộ thấp hơn nhiều so với DN. Tổ chức quản lý ở hộ kinh doanh rất linh hoạt, gọn nhẹ và việc ra quyết định thường nhanh hơn DN. Hơn nữa khi đã thành DN, hộ phải thay đổi chế độ kế toán, phải có hóa đơn chứng từ, đang từ nộp thuế khoán phải chuyển thành kê khai nộp thuế… như vậy sẽ phải thêm nhân lực…
Tuy nhiên tính toán trên tổng thể, hộ kinh doanh rõ ràng khó phát triển hơn là mô hình DN với “không gian phát triển” lớn hơn. “Cụm từ phi chính thức cho thấy không gian hẹp của khu vực đó trong nền kinh tế và nếu hộ gia đình mà thực tế đang hoạt động như một DN cứ ở trong không gian hẹp đó thì không thể lớn lên được. Cần có chính sách, giải pháp sao cho hộ kinh doanh vươn mình thành DN. Khi đã là DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường sẽ không có giới hạn nào cho sự phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nêu quan điểm.
Để khuyến khích các hộ vươn lên nhóm kinh doanh chính thức, trở thành DN, CIEM đề xuất trước hết cần có một chương trình hành động khuyến khích đăng ký thành lập DN. Theo đó, khi họ thành lập DN thì được kế thừa những giấy phép đã có, kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp; không buộc họ phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh của hộ rồi lại làm thủ tục thành lập DN, xin lại giấy phép; cần giảm bớt chế độ kế toán cho họ, thể chế hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ hộ thành DN trong Luật DNNVV; được ưu đãi tham gia đấu thầu…
“Nếu thấy thành DN có lợi hơn thì không ai xui họ cũng thành DN. Vậy chính sách phải làm sao cho họ thấy lên DN có lợi hơn”, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý. Ông thẳng thắn: “Các chính sách phải nhằm để hộ kinh doanh lớn lên, để làm ăn lớn, để họ từ bỏ tư duy nhỏ lẻ, để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế. Số lượng DN ít cũng được nhưng DN cho ra DN, chứ cứ nhiều DN “li ti” thì DN không lớn được, cả đất nước không phát triển được”.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho rằng: Chương trình khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN phải được xây dựng sao cho không tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy “khoác áo” DN cho hộ kinh doanh. Và, muốn thúc đẩy chính thức hóa hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. “Điều quan trọng nhất là để họ thấy được lợi ích lớn hơn chi phí khi thành DN”, ông Hiếu chốt lại.