Phục hưng cà phê nguyên bản
Gian nan tái canh cây cà phê | |
Đăk Lăk đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách cho vay tái canh cà phê | |
Ngày hội cà phê Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ 8-11/12/2016 |
Minh bạch hóa thông tin
Mới đây tại TP. Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), đã tổ chức lễ ký “Cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê, bảo vệ người tiêu dùng”. Vinacafé là DN đầu tiên của ngành đặt bút ký vào bản cam kết này.
Trước đó, Vinacafé từng làm “dậy sóng” dư luận, khi đưa ra tuyên bố, từ ngày 1/8/2016 chỉ sản xuất cà phê nguyên chất, “cà phê chỉ là cà phê” mà không độn đậu nành như trước đó. Bên cạnh đó, DN này cũng cam kết nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để sản xuất sản phẩm cà phê được làm từ 100% hạt cà phê nguyên chất, không độn đậu nành…
Lãnh đạo Vinacafé trực tiếp thuyết phục người tiêu dùng chọn “cà phê phải là cà phê” |
Những hành động này của Vinacafé được cho là dũng cảm trong việc minh bạch hóa thông tin đến người tiêu dùng, bài trừ cà phê bẩn, cà phê không rõ nguồn gốc, hay cà phê “độn”...
Chia sẻ về tinh thần tiên phong minh bạch thành phần trong các sản phẩm cà phê, cũng như những cam kết sản xuất các sản phẩm 100% cà phê nguyên bản, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hoà cho biết: "Gần nửa thập kỷ qua Vinacafé luôn giữ một tình yêu với thương hiệu cà phê Việt. Chúng tôi luôn trăn trở tìm kiếm và phục hưng giá trị nguyên bản cà phê Việt Nam. Để người tiêu dùng có quyền được thưởng thức ly cà phê không những ngon mà còn phải sạch, đúng chất kiểu Việt…".
Thực tế, thời gian gần đây trên thị trường cà phê Việt Nam, việc thiếu minh bạch trong nguồn gốc của cà phê đã dần đánh mất niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm cà phê.
Theo tính toán, trung bình với 1kg cà phê nguyên chất giá từ 120 đến 150 nghìn đồng, cộng thêm giá vận chuyển, thuê mặt bằng, thuê nhân công… thì quán bán ra phải nằm trong khoảng 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/ly mới có lãi. Trong khi đó, bằng hóa chất, hương liệu cà phê, với 150 nghìn đồng/bình 5 lít hương liệu.
Như vậy, giá thành chỉ khoảng 1 nghìn đến 1,3 nghìn đồng/ly. Nếu bán ra ở các quán vỉa hè ly cà phê có giá từ 10 đến 15 nghìn đồng/ly. Hoặc ở những quán cà phê khá hơn một chút, sẽ có mức giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/ly, tức người bán lãi gấp 10 - 20 lần... Do vậy, có thể nói lợi nhuận là nguyên nhân chính giết chết “hương vị cà phê nguyên chất”.
Bên cạnh đó, còn do tâm lý, thói quen của một số “thượng đế”, quen uống cà phê nhiều năm đã hình thành “khẩu vị”, cà phê phải có… đậu nành. Khi vẫn có một số người còn cho rằng uống cà phê độn bắp hay đậu nành lại dễ uống hơn một ly cà phê nguyên chất... Cũng chính từ đây, không ít DN đã nương theo thị hiếu của người tiêu dùng, để cho ra đời các sản phẩm cà phê có pha trộn nhằm đáp ứng và chạy theo nhu cầu thưởng thức cà phê của người tiêu dùng...
Những nỗ lực hành động
Sau khi đưa ra lời tuyên bố làm dậy sóng giới truyền thông, cộng đồng mạng và người tiêu dùng, để chứng minh những nỗ lực phục hưng cà phê nguyên bản, Vinacafé đã có những hành động thiết thực chứng minh rằng quyết định này không chỉ là cam kết mang tính phát ngôn của lãnh đạo và còn là những hành động.
Mới đây, hàng trăm nhân viên Vinacafé từ công nhân sản xuất cho đến các lãnh đạo cấp cao như ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Tân Kỷ, tổng giám đốc… đã “xuống đường”, đi đến các điểm bán sỉ, lẻ trên toàn quốc để chia sẻ, thuyết phục các nhà bán lẻ, chủ quán cà phê và người tiêu dùng với thông điệp hãy chọn “cà phê phải là cà phê”.
Trước đó, tại hội thảo “Đón sóng thực phẩm sạch”, ông Nguyễn Tân Kỷ đã thành thật chia sẻ: "Cách đây 3 - 4 năm, chính xác là năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, chúng tôi đã đưa ra 2 dòng sản phẩm, Wake up và Phinn có trộn đậu nành để phục vụ thị hiếu người dùng. Thực sự cả hai sản phẩm Wake up và Phinn đều tạo được kết quả kinh doanh tốt. Nhưng, chúng tôi vẫn cảm thấy day dứt vì đã đi ra khỏi triết lý cà phê nguyên bản của mình".
Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh ông Phạm Quang Vũ cũng không giấu giếm việc trộn thêm đậu nành do sức ép của thị trường. Tuy nhiên, không đánh lừa người tiêu dùng trên bao bì của mình Vinacafé đã ghi rõ thành phần sản xuất trên bao bì của các sản phẩm...
Có thể nói, ngày 1/8/2016 được xem như dấu mốc quan trọng của Vinacafé khi chính thức cung cấp cà phê với cam kết hoàn toàn nguyên chất cho thị trường. Nhưng, để thay đổi một thói quen vốn ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng liệu có dễ thực hiện?
Mới đây, ban lãnh đạo và rất nhiều cán bộ công nhân viên của Vinacafé, đã cùng nhau thực hiện một chiến dịch thuyết phục khách hàng trên toàn quốc và kết quả thu lại đã làm DN có thêm niềm tin để theo đuổi triết lý kinh doanh của mình.
Theo đó, kết quả đã có hơn 100 nghìn ly cà phê được bán ra trong ngày “vận động”. Trong khi, mức tiêu thụ trung bình ở các ngày khác chỉ khoảng 15 nghìn ly. Cũng trong ngày, đã có trên 4 triệu gói cà phê các loại được chủ các cửa hàng tạp hóa đặt hàng. Tổng số ly được bán ra trong 4 tuần triển khai chiến dịch lên đến 650 nghìn ly. Ngoài ra, hơn 5 nghìn nhà hàng, quán ăn, các nhà cung cấp sỉ lẻ đã ký tên ủng hộ “chúng tôi chọn cà phê phải là cà phê”, nhằm góp phần thay đổi hiện trạng sử dụng cà phê tại Việt Nam hiện nay...
Những kết quả khả quan này, có thể nói là những tín hiệu đáng mừng và cũng là sự khích lệ đối với Vinacafé. DN dám nghĩ, dám làm nhằm mang lại sự nguyên chất cho những ly cà phê Việt với mong muốn “cà phê phải là cà phê”.
Theo nhiều người, trước khi đưa ra quyết định “cà phê phải là cà phê”, chắc hẳn những người đứng đầu Vinacafé đã lường trước những khó khăn bủa vây và cả những phản ứng trái ngược nhau của người tiêu dùng. Thế nhưng, với nỗ lực tiên phong phục hưng cà phê nguyên bản, cũng như những hỗ trợ người tiêu dùng “đón sóng thực phẩm sạch”… thương hiệu này sẽ vượt qua những khó khăn ban đầu, tiếp bước đến thành công mỗi khi người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của DN.