PPP gia tăng nguồn lực phát triển
Nâng tầm khung pháp lý cho PPP | |
TP. HCM: Ưu tiên PPP để phát triển hạ tầng |
Ảnh minh họa |
Mới đây, UBND TP. HCM đã chấp thuận cho CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Sài Gòn Signature lập đề xuất dự án Quảng trường văn hóa du lịch Hồ Con Rùa tại Quận 3, và CTCP Du lịch DHA lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Quận Phú Nhuận theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Không riêng gì hai DN này tham gia lập dự án đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố mà trước đó, đã có không ít dự án triển khai thành công theo mô hình PPP.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, TP. HCM có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.
Phó tổng giám đốc một DN tham gia lập dự án theo hình thức PPP về lĩnh vực giao thông cho biết, phần lớn những dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đều cần nguồn vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng và triển khai trong khoảng thời gian tương đối dài, từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến triển khai, hoàn thành, khai thác, chuyển giao.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, quy định của luật pháp khiến cho nhà đầu tư trong và ngoài nước còn e dè khi tham gia. Nhất là khi hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này mới chỉ dừng ở mức Nghị định (Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP), trong khi muốn đầu tư PPP thì DN, nhà đầu tư đều phải vận hành, hoạt động theo cơ chế của Luật, nên khi triển khai vào thực tế thường gặp trở ngại nhất định.
Ngoài ra, còn phải kể đến khó khăn liên quan đến nguồn vốn phát triển dự án. Theo thông tin từ UBND TP. HCM, để thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố, cần đến nguồn vốn 850.000 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 20%.
Vì vậy, TP. HCM kêu gọi các DN cùng kết nối tham gia phát triển dự án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn vốn triển khai dự án PPP chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Trong khi, nhiều dự án đầu tư theo hình thức này thường có vòng đời kéo dài khoảng từ 15 - 20 năm, nên các ngân hàng thường rất thận trọng.
Theo nhận định của một số chuyên gia, một vướng mắc khác không thể không nhắc đến là dù một số dự án triển khai theo hình thức PPP đã đi vào thực tiễn nhưng vẫn đang thiếu cơ chế giám sát, phối hợp giữa nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến không đảm bảo kiểm soát được tính minh bạch, khả thi trong quá trình vận hành.
Nhất là những vấn đề như kiểm soát doanh thu, lợi nhuận, nhằm kịp thời đưa ra các phương án điều chỉnh liên quan đến kế hoạch cho vay dự án. Điển hình là những dự án BOT trong lĩnh vực giao thông thời gian gần đây đã bộc lộ rõ những nhược điểm nêu trên.
Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) cho rằng, hiện tại các dự án kêu gọi đầu tư PPP chủ yếu là những công trình trọng điểm của thành phố, phục vụ cộng đồng xã hội, song lãi suất cho vay trung bình đối với các dự án này từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn còn cao, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư trong việc xác định phương án tài chính, cũng như tính khả thi triển khai dự án.
Trước những vấn đề này, vừa qua UBND TP. HCM đã đưa ra quan điểm, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động nguồn lực từ xã hội là vô cùng cần thiết. Vì vậy, thành phố sẽ nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các DN, thành phần kinh tế có thể tham gia, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển trong nhiều lĩnh vực đầu tư như cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng...
Nhất là sẽ thông qua hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tìm kiếm nguồn lực một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các cơ hội đầu tư, dự án đang cần nguồn lực để triển khai của thành phố hiện tại cũng như trong thời gian tới.