TP. HCM: Ưu tiên PPP để phát triển hạ tầng
Nới cửa hợp tác công tư | |
TP.HCM: Quản lý đô thị còn nhiều vướng mắc |
5% và 5 lần
Theo thống kê của TP. HCM, dù số dự án thực hiện theo PPP chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn huy động lại gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011-2015.
TP.HCM luôn coi PPP là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng |
Trong hội nghị tổng kết việc triển khai thu hút đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức PPP và định hướng cho giai đoạn 2017 - 2020 của TP. HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, đến nay, thành phố có tổng cộng 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 71.172 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP. HCM còn có 130 dự án khác đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, TP.HCM đang tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP cho 116 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến là 136.741 tỷ đồng. Các dự án này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giao thông, môi trường, chỉnh trang đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, thương mại dịch vụ…
Về tính hiệu quả của các dự án PPP, bà Hoa nhận định “Thực tế triển khai, mô hình PPP mang lại rất nhiều lợi ích trong quản lý, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao và đảm bảo các lợi ích, an sinh xã hội. TP.HCM đã tìm kiếm cách thức quản lý hiệu quả nhất”.
Tạo mọi thuận lợi cho đầu tư PPP
Dự báo, nhu cầu đầu tư của TP. HCM giai đoạn 2016-2017 vào khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Riêng lượng vốn cần để đầu tư cho giao thông, môi trường, chống ngập nước đã chiếm hơn 50%.
Trước nhu cầu rất lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở KH&ĐT xây dựng tiêu chí của từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người dân.
Thậm chí, lãnh đạo TP.HCM còn cho biết trong thời gian tới, các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án PPP sẽ được ứng trước vốn. Việc ứng vốn sẽ thông qua Quỹ Phát triển dự án (PDF) mà thành phố đang chuẩn bị triển khai. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ hoàn trả các chi phí chuẩn bị đầu tư.
Song song đó, các địa phương của TP. HCM cũng đã chủ động triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể, UBND quận 3 đã thu hút được tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Quận đã chủ động điều chuyển những dự án thuần đầu tư công sang đầu tư theo hình thức PPP và nhận được phản hồi tốt từ các nhà đầu tư, góp phần giảm chi ngân sách.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP cũng phát sinh nhiều khó khăn như quỹ thanh toán cho các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) không đủ để đáp ứng; vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng…
Vì vậy, bà Hoa cho rằng, TP. HCM kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phân loại danh mục dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước; cho phép nhà đầu tư được tự xác định giá trị theo nguyên tắc thị trường; nhà đầu tư được thanh toán dự án BT tại vị trí hiện hữu thông qua các giá trị gia tăng lợi ích từ việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch như chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng và tầng cao công trình…
Theo chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM luôn coi PPP là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thông qua khai thác, tận dụng nguồn vốn của khu vực tư nhân và sự hợp tác của Nhà nước. “Hình thức đầu tư này chính là một trong những giải pháp phù hợp với các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP.HCM”, ông Phong khẳng định.