RCEP: Cơ hội tiến lên trong chuỗi giá trị
Vai trò của RCEP đối với hội nhập kinh tế khu vực | |
Vắng TPP, dòng thương mại tự do vẫn không ngừng chảy |
Với Việt Nam, nhiều đánh giá cho rằng việc tham gia RCEP sẽ giúp chúng ta tăng cường tiếp cận chuỗi sản xuất khu vực, thúc đẩy thu hút FDI, tận dụng được lan tỏa công nghệ từ các DN FDI, tạo điều kiện để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Quan trọng hơn, hiệp định này sẽ tạo cơ hội cho chúng ta hoàn thiện chính sách công nghiệp và cải thiện năng lực cạnh tranh công nghiệp.
Nhưng, tại sao cần có RCEP khi riêng Việt Nam đã có các FTA song phương với nhiều nước thành viên và ASEAN, cũng đã có các FTA với tất cả 6 đối tác khác trong RCEP (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand)? Các cơ hội và thách thức của RCEP đối với Việt Nam ra sao? Và đối tác song phương nào quan trọng với nước ta trong toàn khối? Tất cả đã được thảo luận tại một diễn đàn có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cuối tuần rồi.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, dù đã có các FTA giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước khác tại châu Á như vậy, nhưng hợp tác trong khu vực chưa đảm bảo tính hài hòa do còn những khác biệt, hay mức độ khác nhau trong cam kết mở cửa, và kỳ vọng của RCEP là nâng cấp các cam kết về hợp tác. Kỳ vọng lớn hơn là qua đó sẽ giúp thị trường liên thông và rộng mở, cơ hội thị trường nhiều hơn, trong khi chi phí sẽ giảm đi.
Thêm nữa, khi tham gia một hiệp định chất lượng cao hơn, quy mô lớn hơn và đòi hỏi các cam kết cao hơn thì sẽ góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Điều này sẽ trực tiếp tác động đến DN, đòi hỏi họ phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, RCEP còn giúp mở rộng và gắn kết với các mạng sản xuất và chuỗi giá trị. Đáng chú ý trong RCEP là cơ hội hợp tác được mở ra, đây cũng chính là cơ chế hỗ trợ, đặc biệt giữa các nền kinh tế lớn và phát triển hơn đối với các nước đang phát triển...
GS. Fukunari Kimura, Kinh tế trưởng thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) bổ sung, sự hợp tác sâu rộng của các nước thông qua AEC hay RCEP là đúng hướng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ASEAN và các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á đã và đang tận dụng tốt các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) thì việc làm sao lồng ghép vấn đề này vào các hợp tác trên là rất cần thiết.
GS. Fukunari Kimura giải thích, các lớp cấu trúc liên quan đến GVC gồm: Lớp 3, kết nối vào các GVC ở mức thấp; Lớp 2, tham gia vào mạng sản xuất; Lớp 1a, hình thành tích tụ công nghiệp; và Lớp 1b, hình thành một trung tâm đổi mới, sáng tạo. Mỗi quốc gia có các khu vực/ngành ở các lớp khác nhau và do đó, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi lớp để có một kế hoạch thúc đẩy phù hợp.
Chuyên gia này cho rằng, Việt Nam đã trải qua Lớp 3, hiện đang ở giữa Lớp 2 và Lớp 1a, tức là đang bắt đầu có sự chuyển dịch từ tham gia vào mạng sản xuất sang tích tụ công nghiệp. Các nỗ lực chính sách cần tập trung hỗ trợ cho sự dịch chuyển này, đặc biệt là phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng cứng và mềm, xúc tiến đầu tư, mở rộng chuyển giao công nghệ, nỗ lực kết nối, giảm chi phí sản xuất…
Kỳ vọng tham gia chuỗi giá trị với vai trò dẫn dắt từ Nhật Bản cũng được tính đến trong khối RCEP. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (từ năm 2013), Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, tập trung vào hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, đưa vào các tiêu chuẩn quốc tế… trên cơ sở tận dụng các thế mạnh của Nhật Bản kết hợp với nhu cầu và những thế mạnh sẵn có của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc triển khai các kế hoạch hành động còn chậm và khả năng tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi cung ứng của DN Nhật Bản còn hạn chế. Theo bà Tuệ Anh, để Việt Nam tham gia và tận dụng hiệu quả RCEP xét trên góc độ phát triển công nghiệp và tiến lên trong các lớp cấu trúc liên quan đến GVC thì tới đây, các hoạt động hợp tác, hỗ trợ từ phía Nhật Bản cần hướng mạnh hơn vào các lĩnh vực cốt yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam như hướng vào công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghiệp; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ thông qua hỗ trợ các DNNVV về năng lực công nghệ…
Đơn cử, phía Nhật Bản có thể nghiên cứu hỗ trợ hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ công nghệ cho các DNNVV Việt Nam, trong đó có thể đặt hàng và thẩm định về mặt tiêu chuẩn, chất lượng đối với các sản phẩm phụ trợ theo yêu cầu của các DN Nhật Bản và để các DNNVV Việt Nam sản xuất, cung cấp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện hệ thống pháp lý, sở hữu trí tuệ, hiểu biết và nắm bắt được các hàng rào kỹ thuật thương mại cũng như khả năng quản lý rủi ro và ứng phó với các vụ kiện về thương mại và đầu tư… Những hoạt động hợp tác, hỗ trợ như vậy cần được cụ thể hóa ở các ngành, lĩnh vực cụ thể và quan trọng nhất là cần được triển khai sớm.