RCEP mở cánh cửa rộng cho ngành thủy sản Việt
Standard Chartered: RCEP giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại | |
Chuyên gia WB: Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP | |
RCEP: Doanh nghiệp cần chủ động nhập cuộc |
Cơ hội lớn cho thủy sản Việt
RCEP - Hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chính thức có hiệu lực từ 1/2/2022.
“RCEP mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong khu vực. Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng”, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết tại Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022 diễn ra trong hai ngày 30-31/5.
Các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội lớn để xuất khẩu thủy sản vào thị trường RCEP |
Ông Nguyễn Mạnh Đồng - Bí thư thứ 3 Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ thêm, RCEP giúp Việt Nam tận dụng để phát triển thị trường và có những điều kiện dễ dàng hơn về tiêu chuẩn xuất xứ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu đầu vào của 10 nước ASEAN cùng với 5 nước đối tác để chế biến và xuất khẩu sang các thị trường trong khối. Ngoài ra, các cam kết cắt giảm những sắc thuế liên quan của các nước trong RCEP cũng là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khu vực.
Hiện Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước RCEP chiếm tỷ trọng trên 63%. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Ngụy Giai Mỹ, Phó trưởng ban Nghiệp vụ tổng hợp (Hiệp hội Xuất nhập khẩu Thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc) chia sẻ, với mức sống ngày càng được cải thiện, người tiêu dùng Trùng Khánh có nhu cầu cao đối với hải sản và các sản phẩm thủy sản, trong đó có thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm thủy sản có chất lượng cao của Việt Nam như cá ngừ, cá rô phi được người tiêu dùng ở đây rất yêu thích.
Hiện nay, các phương tiện giao thông đường sắt, đường bộ có thể giao hàng từ Việt Nam sang Trùng Khánh trong vòng 8 tiếng. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của địa phương này. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Trùng Khánh 9 tháng năm 2021 đạt 5,86 tỷ USD, tuy nhiên thủy sản và các sản phẩm thủy sản chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
Trùng Khánh đã xây dựng khu giám sát quản lý hải sản tươi sống và nông sản do cơ quan hải quan chỉ định, hiệu suất thông quan sẽ được nâng cao hơn. Đây là điều kiện tốt để tăng nhu cầu tiêu dùng đối với hải sản và các sản phẩm thủy sản Việt, bà Ngụy Giai Mỹ cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ thủy sản nhiều nhất thế giới. Đây cũng là nước nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Trong 5 năm trở lại đây, các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất sang Nhật Bản là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Chi Lê, Nga, Việt Nam, Thái Lan... Các sản phẩm thủy sản nhập khẩu lớn nhất vào thị trường này trong 5 năm gần đây là tôm đông lạnh, cá ngừ chế biến...
Người tiêu dùng Nhật yêu cầu rất cao về chất lượng của sản phẩm thủy sản. Mức độ tiêu thụ thủy sản của Nhật Bản phụ thuộc vào địa điểm sinh sống và độ tuổi của người dân, ông Nguyễn Mạnh Đồng chia sẻ thêm.
Một số lưu ý khi xuất khẩu thủy sản sang RCEP
Với những thông tin trên, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp khi xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn được quy định tại đây.
Đối với thủy sản nuôi trồng, cần đảm bảo quá trình nuôi không sử dụng các chất kháng sinh tổng hợp bị cấm, dư lượng kháng sinh phải trong giới hạn cho phép. Hải quan Nhật Bản quy định rất nghiêm ngặt về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu một lô hàng của công ty nào đó bị phát hiện vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì trước tiên là lô hàng đó sẽ bị yêu cầu tiêu hủy hoặc chuyển lại người bán. Từ đó về sau, mức độ và tần suất kiểm dịch sẽ được tăng cường rất chặt đối với tất cả các lô hàng thủy sản cùng loại, không chỉ từ công ty vi phạm mà còn từ tất cả các doanh nghiệp khác xuất khẩu các sản phẩm thủy sản cùng loại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đồng, con đường đưa thủy sản vào thị trường Nhật Bản phổ biến nhất hiện nay là thông qua một công ty thương mại xuất nhập khẩu của Nhật Bản. Các công ty này có hệ thống phân phối riêng và sẽ phân phối các sản phẩm nhập khẩu đến các nhà bán lẻ. Một số công ty xuất khẩu của nước ngoài cũng đã cố gắng thành lập chi nhánh, công ty nhập khẩu của riêng mình tại thị trường Nhật Bản nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm cách tiếp cận các nhà bán lẻ, người tiêu dùng Nhật.
Còn đối với thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường - đại diện Thương vụ Việt Nam tại đây chia sẻ, bên cạnh yếu tố về chất lượng, người tiêu dùng còn quan tâm đến yếu tố khai thác thủy sản bền vững.
Ngoài Việt Nam, Australia còn nhập khẩu thủy sản từ nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan... Chính vì thế, tính cạnh tranh trên thị trường này ngày càng cao.