Vắng TPP, dòng thương mại tự do vẫn không ngừng chảy
Ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức | |
Nếu TPP không được hiện thực hóa |
Buồn về TPP nhưng hy vọng không tắt
Có rất nhiều ẩn số sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như không còn cơ hội được thông qua và Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia bảo hộ các nền công nghiệp trong nước.
Đa số các tài liệu, phân tích gần đây đều cho rằng, TPP đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực châu Á nơi có nhiều nền kinh tế là thành viên. TPP cũng là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu. Tuy nhiên không hẳn tất cả niềm hy vọng đều đã tắt.
“Chúng ta dường như đang dồn quá nhiều tập trung và lo ngại về khả năng TPP không được thông qua mà quên rằng, đàm phán của các hiệp định tự do thương mại (FTA) khác vẫn đang tiếp diễn” - ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nêu quan điểm.
Mức độ bao phủ của Hiệp định RCEP |
Trong đó, một trong những đàm phán quan trọng có thể kể đến là Hiệp định Khu vực FTA châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), một sáng kiến do APEC khởi xướng cách đây 20 năm, với mục tiêu kết nối 21 nền kinh tế trên thế giới bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. FTAAP bao phủ gần 60% GDP toàn thế giới và 50% giá trị thương mại toàn cầu. Văn kiện thống nhất của FTAAP đã được hoàn tất và chương cuối của FTAAP đang được gấp rút thực hiện.
Nếu FTAAP sớm được thành lập sẽ giúp tạo ra một bộ quy tắc thương mại thống nhất mang tính bao trùm trong giao dịch giữa các đối tác bởi các FTA hiện có ở góc độ nào đó đang gây ra tình trạng chồng chéo các quy định điều chỉnh thương mại quốc tế và gây khó khăn cho các DN khi tiến hành buôn bán, trao đổi với nhau.
Theo giới phân tích, lộ trình hiện thực hóa FTAAP sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các FTA hiện có trong khu vực, trong đó đáng chú ý nhất là TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bởi cả hai hiệp định này đều có sự tham gia của phần lớn các nền kinh tế thành viên APEC. Việc hai hiệp định này đi vào thực thi sẽ giúp đặt nền tảng cho sự hình thành FTAAP trong tương lai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh TPP đột ngột bị dừng lại không còn như kỳ vọng thì việc thúc đẩy hoàn tất và triển khai RECP để tiến tới đích xa hơn là FTAAP giờ đây có thể sẽ được các nền kinh tế thành viên chú trọng hơn.
RCEP kết nối ba nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á và đóng góp khoảng 22,4 nghìn tỷ USD cho GDP (tức gần 30%) và 10 nghìn tỷ USD giá trị thương mại toàn cầu. Hiệp định này đặc biệt sẽ có lợi cho khối các nước Đông Nam Á do sẽ giảm thiểu những bất cập giữa các FTA trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này.
Nỗ lực chuyển qua RCEP?
Các cuộc đàm phán cho RCEP đang diễn ra và vòng đàm phán thứ 15 đã kết thúc vào tháng trước. Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – những nước mà ASEAN đã ký kết FTA. Hiệp định này sẽ đặc biệt thuận lợi cho các nước trong khối ASEAN, vì sẽ giúp giảm bớt sự “phi lý” của các FTA đã có trước đây, cũng như giúp tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như là một cơ sở sản xuất.
Hơn nữa, bằng cách kết nối ba thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, hiệp định RCEP đưa ra một khuôn mẫu phát triển "Nam-Nam" mới, và từ đó có thể phần nào bù đắp nhu cầu nhập khẩu và đầu tư ảm đạm của phương Tây.
Trong khi TPP được xây dựng với mong muốn "viết lại" một số các nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế, kết hợp với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cùng với các tiêu chuẩn về môi trường và lao động thì cho đến nay, các cuộc đàm phán cho thấy RCEP chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là RCEP không chứa nhiều tham vọng.
Đơn cử, đây là lần đầu tiên một FTA như RCEP kết nối được hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ, và cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Mấu chốt để hoàn tất được RCEP chính là đàm phán của các bên để giải quyết được những mối quan hệ này. Ví dụ như hầu hết cuộc tranh luận gần đây nhắm tới việc Ấn Độ vẫn dè dặt đưa ra một lộ trình giảm thuế duy nhất cho tất cả các thành viên.
Nhưng ngay cả khi các bên chấp nhận chỉ cắt giảm thuế một phần và có lộ trình đối với giao dịch thương mại giữa Trung Quốc - Nhật Bản hay Trung Quốc - Ấn Độ khi RCEP có hiệu lực thì đây vẫn được đánh giá là có thể bơm thêm sức sống mới vào các mối quan hệ thương mại trong khu vực.
Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa TPP và RCEP là thành phần tham gia của “những tay chơi lớn”. Cụ thể, Trung Quốc tham gia vào RCEP (không có Mỹ) trong khi Mỹ là “chủ trò” ở TPP (không có Trung Quốc). Như vậy với RCEP, việc cắt giảm thuế quan giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - cả ba nước này đều thuộc tốp 6 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ - có khả năng sẽ khiến các nhà xuất khẩu Mỹ ở vào thế bất lợi khi TPP không được thông qua.
Nhà Trắng mới đây công bố một nghiên cứu thừa nhận điều này khi cho biết, các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ bị những thành viên RCEP “đánh bại”. Một dẫn chứng là mặc dù Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đều kết nối trong WTO với quy chế "Tối Huệ Quốc" thì vẫn có rất nhiều dòng thuế khác nhau mà cả Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Nhưng chỉ cần RCEP đưa ra một mức cắt giảm 65% các dòng thuế - tức phù hợp với mức trung bình trong các FTA ASEAN+1 thì điều này cũng đã đem lại một lợi thế rõ ràng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Mặc dù RCEP sẽ có những mặt không thuận lợi nhất định, như hiệp định cuối cùng nhiều khả năng có thể phải chấp nhận một lộ trình dài để xóa bỏ dần hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, đây vẫn là một sự phát triển đáng mừng cho khu vực châu Á trong bối cảnh Vòng đàm phán Doha của WTO vẫn dậm chân tại chỗ và TPP thì bị dừng lại như hiện nay.
“RCEP đặc biệt sẽ có lợi cho các nước ASEAN do sẽ giảm thiểu những bất cập giữa các FTA trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này” – CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhìn nhận và cho rằng: “Cho dù có hay không có TPP, nước Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và các DN Việt Nam cần theo dõi sát sao những động thái tiếp theo, đồng thời cần giữ vững tinh thần tiến lên phía trước để tận dụng mọi lợi thế có được từ các FTA đang trong vòng đàm phán. Mặt khác, việc chúng ta cần làm song song là xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh”.