Rộng cửa cho vay tiêu dùng
Cho vay tiêu dùng: Cạnh tranh khiến lãi suất giảm! | |
Cho vay tiêu dùng: Làm gì để “đánh thức” tiềm năng | |
Tài chính tiêu dùng nội: Đi sau liệu có về trước? |
“Kênh” riêng cho mảng tiềm năng
Trước tới nay, lĩnh vực cho vay tiêu dùng là một trong những hoạt động chung của các TCTD gồm NHTM và các công ty tài chính. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nào đó thì mục đích của tài chính tiêu dùng có phần khác so với các hoạt động cho vay sản xuất, kinh doanh khác. Dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng nhiều năm qua tài chính tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Chính vì vậy, khi NHNN đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về hoạt động cho vay tiêu dùng được giới tài chính – NH đánh giá là bước tiến mới, góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động tài chính tiêu dùng. Việc này sẽ tạo được sân chơi cho các công ty tài chính phát triển, tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận vốn.
Đặc biệt, việc sắp xếp lại công ty tài chính thời gian qua bằng các hình thức mua bán, sáp nhập cũng cho thấy các tổ chức này đang chuẩn bị cho một chiến lược kinh doanh tiềm năng.
Hoạt động cho vay tiêu dùng tới đây sẽ được chuyên nghiệp hơn |
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – NH cho rằng, dự thảo Thông tư đã chú trọng đến trách nhiệm tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng là rất quan trọng. Thực tế thời gian qua, nhiều người dân không hiểu rõ về quy định cho vay tiêu dùng, rất lơ là trong xem xét hợp đồng, chỉ cần được vay vốn là mừng rồi, không có kỹ năng xem xét lãi suất điều chỉnh, lãi phạt... nên khi vay xong mới thắc mắc, thậm chí khiếu kiện.
Nhằm kiểm soát hạn chế những rủi ro, theo dự thảo Thông tư yêu cầu khách hàng vay vốn phải lập “phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, bao gồm tổng số tiền cần sử dụng, tổng số tiền hiện có, số tiền cần vay tại công ty tài chính, thời gian vay vốn, mục đích sử dụng vốn”.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính – NH, quy định như vậy có phần “na ná” với quy định cho vay sản xuất, kinh doanh những dự án lớn của các NHTM. Trong khi đó, tài chính tiêu dùng thường là món vay nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Và đối tượng cho vay đa số là cá nhân, thậm chí ở vùng nông thôn, không có kiến thức tài chính, nên yêu cầu này có phần khắt khe. Do đó, phương án sử dụng vốn của dự thảo Thông tư chỉ cần thể hiện các thông tin cơ bản như các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, bao gồm số tiền cần vay tại công ty tài chính, thời gian sử dụng vốn, mục đích sử dụng vốn.
Cân nhắc mức cho vay, hình thức giải ngân
Dư luận hiện nay cũng đang quan tâm tới mức vay, hình thức giải ngân ở các công ty tài chính. Bởi theo Điều 17 về Sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay: Tại khoản 1, công ty tài chính giải ngân vốn cho vay tiêu dùng thông qua việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.
Khoản 2, điều này quy định: Công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để khách hàng thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của NHNN về việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng. Tổng số tiền cho vay tiêu dùng (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) được giải ngân theo quy định tại khoản này đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng (mười triệu đồng) hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ.
Trong khi đó theo Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10/4/2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay, các khoản giải ngân dưới 100 triệu đồng thì không bắt buộc phải sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, hạn mức quy định 10 triệu đồng mâu thuẫn với quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN và mâu thuẫn ngay với chính quy định tại Khoản 2 Điều 17 Dự thảo Thông tư. Ngoài ra, số tiền vay tiêu dùng tuy nhỏ lẻ nhưng giới hạn mức 10 triệu đồng là quá thấp. Quy định này phù hợp với các công ty tài chính vi mô hơn là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
“Có thể những quy định này đặt ra nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn theo chủ trương của Chính phủ và NHNN nhưng cần có lộ trình để đạt được hạ tầng thanh toán, thay đổi ý thức người dân nông thôn” – một chuyên gia bình luận.
Về hạn mức cho vay, theo đại diện Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit cho rằng, không nên quản lý về mặt hạn mức mà bằng cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, hạn mức 10 triệu đồng hiện nay là khá thấp, bởi ngay như tài chính vi mô, cho vay hộ nghèo ở NH Chính sách xã hội hiện nay cũng có mức cho vay tối đa tới 50 triệu đồng.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia NH, chẳng lẽ khách hàng vay mua chiếc điện thoại giá khoảng 20 triệu đồng thì họ lại phải đi vay hai công ty tài chính thì mới mua được? Vì vậy, ông Lực đề nghị nên để mức trần cho vay khoảng từ 30-50 triệu đồng sẽ hợp lý hơn.