Sản xuất rau quả chất lượng cao: Cần vốn lớn, khó nhân rộng
Tại các quầy rau quả Cửa Bắc chợ Bến Thành (Q.1, TP. Hồ Chí Minh) có hơn 60 loại rau củ/quầy thuộc hàng cao cấp như cà chua, cà rốt, bí ngòi, ớt ngọt, măng tây, dâu… Giá cà chua là 65.000 đồng/kg, cà rốt, ớt bi giá 76.000 đồng/kg trở lên. Đây được xem là những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, hoàn toàn trồng tại Việt Nam.
Chất lượng, độ ngon và sự đa dạng của rau củ này không thua hàng ngoại nhập mấy năm trước đây. Các loại sản phẩm này đều được trồng tại nông trại ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, so với hàng cùng loại bình thường, thì rau củ cao cấp chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường tiêu thụ. Cũng không ít nông trại trồng rau củ cao cấp điển hình ở Đà Lạt đã được nhắc tới, nhưng dường như thế vẫn chưa đủ.
Xà lách công nghệ cao tại Lâm Đồng |
Theo TS. Nguyễn Bá Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, mặc dù hiện nay, mô hình trồng rau củ chất lượng cao này được tỉnh Lâm Đồng khuyến khích, tuy nhiên vấn đề khó vẫn là đầu tư công nghệ. Cách đây gần 10 năm, Công ty Organik đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để có 4 ha đất, 5 nhà lồng kính và một khu chế biến rau củ sau thu hoạch hiện đại.
Sản phẩm rau sạch đưa ra thị trường đạt khoảng 8 tấn/tuần, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng khách sạn, sân bay, siêu thị và cửa hàng rau cao cấp. Giá bán luôn cao hơn giá hàng cùng loại gấp 3 -5 lần, và luôn không đủ hàng để bán. Tuy nhiên, không nhiều nhà nông làm được điều này.
Được biết, năm 2015, Lâm Đồng tiếp tục chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Một trong 9 chương trình trọng điểm của tỉnh là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt.
Bên cạnh đó là ưu tiên các dự án chuyển đổi giống và chế biến rau quả đặc sản xuất khẩu, chè, cà phê chất lượng cao… Với lợi thế khí hậu, vị trí địa lý đặc biệt, Lâm Đồng là một trong những tỉnh thành phố nằm trong diện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Lâm Đồng xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Công ty Sinh học sạch Đà Lạt, Cty TNHH Trang trại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, sản xuất rau sạch theo công nghệ Nhật Bản), Công ty Langbiang Farm, Công ty TNHH trang trại KIRAKU Việt Nam, Công ty TNHH trồng trọt và Thương mại Kim Bằng… Sản phẩm nông nghiệp sản xuất từ công nghệ cao luôn được xem là hàng cao cấp, cung không đủ cầu ở thị trường nội địa.
Theo so sánh của UBND tỉnh Lâm Đồng, khi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh, nhà nông đạt thu nhập 120 triệu đồng/ha đất canh tác (so với khi chưa áp dụng công nghệ chỉ đạt 20 – 30 triệu đồng/ha đất).
Trong đó, có một vài trường hợp cá biệt có thu nhập từ 300 triệu - 2 tỷ đồng/ha đất canh tác. Các công nghệ mới trong nông nghiệp đang phát triển tại Đà Lạt hiện nay là công nghệ thủy canh, giá thể tổng hợp, tự động hóa chiếu sáng và điều tiết dinh dưỡng, công nghệ chuyển gene…
Những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào rau quả giống ngoại nhập như dâu, cà chua, rau gia vị, rau ăn sống (xà lách romaine, xà lách búp iceberg, xà lách lô lô tím, xà lách lô lô xanh...). Hiện nay, tại Lâm Đồng có trên 150 giống rau các loại, gần 100 giống hoa...
Tỉnh đã đặt chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2015 đạt trên 15% trên tổng diện tích, chiếm 50% - 60% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Giá trị sản xuất năm 2015 đạt 137 triệu đồng/năm/ha và đến năm 2020 đạt trên 180 triệu đồng/năm/ha.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc đầu tư vào mô hình trang trại hiện đại đòi hỏi nguồn vốn rất lớn (trung bình từ 15 – 30 tỷ đồng), nên không dễ để đáp ứng. Vì vậy, bên cạnh sản xuất theo công nghệ cao, phần lớn hộ nông dân của tỉnh vẫn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm… Việc nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao vẫn còn phải mất thêm không ít thời gian.