Sẽ có nhiều chuyển động mới
Trước đó, hàng loạt thương vụ M&A cũng được công bố như việc CII chào mua cổ phiếu NBB, quỹ đầu tư BĐS Nhật Bản Creed Group đầu tư 200 triệu USD để mua lại 20% cổ phần của CTCP Bất động sản An Gia, Ibeworth Pte. Ltd., công ty con của Tập đoàn Keppel Land (Singapore) mua hơn 7 triệu cổ phiếu NLG…
Ảnh minh họa |
Hiện tại, P/B trung bình của ngành BĐS vào khoảng 2,5x, nếu loại trừ VIC còn khoảng 0,9x, tức chỉ hơn một nửa mức P/B của VN-Index là 1,8x. Điều này cho thấy, cổ phiếu BĐS đang giao dịch ở mức thấp so với giá trị tài sản thuần của các doanh nghiệp.
Cộng với khả năng nới “room” lên 100% và việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, đang biến quỹ đất của các doanh nghiệp BĐS trở thành tài sản hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa kể, đến thời điểm này, “cuộc đua” phát hành tăng vốn kéo dài 2 năm qua của các doanh nghiệp BĐS vẫn chưa kết thúc. Trong đó, FLC, DXG, HQC, PDR và KDH đều là những doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn nhanh. Dù đã tăng vốn 3 lần trong năm 2015, FLC mới đây lại nộp hồ sơ phát hành thêm 180 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá.
Tương tự, cả DXG và công ty liên kết vừa niêm yết là LDG tới đây đều sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm thông qua việc tăng vốn điều lệ trong năm 2016. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cuối tuần này (27/11), BCI dự kiến thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng nhằm đầu tư cho các dự án BĐS trong năm 2016.
Theo quan điểm của chuyên gia chứng khoán, việc liên tục phát hành tăng vốn điều lệ có thể khiến EPS của nhiều công ty BĐS khó lòng bắt kịp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đồng thời ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc hài hòa lợi ích giữa các nhóm cổ đông sau khi phát hành cũng không phải là dễ dàng.
Tuy nhiên, với những gì mà thị trường thấy được, nhất là số lượng giao dịch đạt mức khủng thì cổ phiếu BĐS vẫn khiến NĐT phải để tâm. Cụ thể, theo thống kê của Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, trên thị trường có gần 32.000 giao dịch BĐS thành công, cao hơn con số thực hiện cả năm 2014.
Với thời gian xây dựng dự án kéo dài và đặc thù ghi nhận doanh thu khi bàn giao sản phẩm các doanh nghiệp BĐS sẽ có sự cải thiện “đậm nét” hơn về KQKD trong năm 2016 khi nhiều dự án mới triển khai bán hàng trong năm nay hoàn thiện và bàn giao sản phẩm.
Trong xu hướng đó, những doanh nghiệp có sản phẩm sẵn sàng kinh doanh hoặc đang ghi nhận tốc độ bán hàng tốt như KDH, NLG, DXG và xa hơn là NBB, BCI, VPH được đánh giá là có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Về dài hạn, giới đầu tư có kinh nghiệm ưa thích những doanh nghiệp có quỹ đất lớn ở những vị trí đắc địa và có khả năng mở rộng nhưng đang giao dịch ở mức P/B không quá cao so với trung bình ngành như BCI, NBB, KBC và LHG…