Sẽ tiếp tục tái cơ cấu công ty chứng khoán
Hose: 16 năm và những bước tiến dài | |
Cổ phiếu ngành Ngân hàng: Những tín hiệu sáng |
Ông Phạm Hồng Sơn |
Tính từ lúc triển khai đề án tái cấu trúc hệ thống TTCK 2012 đến nay, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) đã giảm được 30%. Thực sự đây là con số tích cực, bởi lúc đầu triển khai đề án, không nhiều người nghĩ rằng trong thời gian ngắn có thể làm quyết liệt được như thế. Cái quan trọng hơn nữa là sự biến chuyển mạnh mẽ của các CTCK về nhận thức, quản trị công ty và quản trị rủi ro, cách thức phục vụ...
Tính đến 30/9/2016, tổng số CTCK thành viên trên thị trường niêm yết là 76 công ty, trên thị trường UPCoM là 74 công ty. 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của 76 CTCK thành viên đạt 1.203 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Phó chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn hy vọng cuối năm nếu thanh khoản thị trường tốt lên, các CTCK sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Theo dự kiến, quý I/2017, TTCK phái sinh sẽ đi vào hoạt động. Vậy đến nay có khoảng bao nhiêu CTCK đủ điều kiện tham gia vào thị trường này, thưa ông?
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có khoảng 15 CTCK có thể đáp ứng các yêu cầu triển khai các dịch vụ về chứng khoán phái sinh trong giai đoạn này. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường mới sắp được vận hành. Theo tôi biết, hiện các CTCK, trung tâm lưu ký chứng khoán, các Sở giao dịch chứng khoán đã và đang có sự gắn kết rất chặt chẽ trong việc chạy thử hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ, cũng như đào tạo công chúng đầu tư, nhân sự cho CTCK phái sinh. Đây là điều mới mẻ nên chúng ta phải làm từng bước, có lộ trình phù hợp để thị trường hoạt động an toàn và suôn sẻ.
Vậy theo ông, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của TTCK, việc tái cấu trúc CTCK thời gian tới sẽ triển khai như thế nào?
Trước đây, hiện tại và trong thời gian tới, chúng tôi vẫn triển khai quyết liệt Đề án tái cấu trúc TTCK và CTCK, đặc biệt là tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro tại các công ty này.
Mặc dù không đặt chỉ tiêu về số lượng, nhưng tôi tin rằng, số lượng CTCK sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Hiện có khoảng 76 CTCK đang hoạt động, nhưng trong số này có khoảng 20 công ty yếu kém và quá trình rà soát sẽ được tiếp tục. Hiện khung pháp lý đã xác định rất rõ là những CTCK nào không đủ điều kiện sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đơn cử như TTCK phái sinh đòi hỏi phải có số lượng vốn tương đối lớn, cộng thêm các yêu cầu về công nghệ, quản trị rủi ro… Tất cả yêu cầu này đòi hỏi các CTCK phải chủ động tự nâng cấp mình nếu muốn tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong thời gian tới.
Một trong những nội dung quan trọng để nâng cao hoạt động của thị trường là nâng cao năng lực tài chính của các CTCK. Vậy ông có thể nói rõ hơn về dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 226 về tỷ lệ an toàn tài chính tại các CTCK?
Hiện nay UBCKNN đang lấy ý kiến thành viên thị trường về 2 văn bản là dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 266 về tỷ lệ an toàn tài chính và dự thảo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán. Theo đó, dự thảo Thông tư mới về tỷ lệ an toàn tài chính sẽ vẫn dựa trên nền tảng của Thông tư 226 hiện hành, nhưng có bổ sung một số nội dung tính tỷ lệ rủi ro đối với một số sản phẩm mới, chẳng hạn như các quy định khi TTCK phái sinh ra đời. Tinh thần của Thông tư sửa đổi vẫn là siết chặt hoạt động của các CTCK để đảm bảo an toàn hệ thống.
Những CTCK nào không đáp ứng được chắc chắn bị hạn chế cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thậm chí phải “chia tay” thị trường. Bên cạnh đó, theo dự thảo, CTCK nào nếu bị đưa vào diện kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt sẽ bị đình chỉ ngay một số nghiệp vụ, đặc biệt nghiệp vụ môi giới để đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng.
Còn đối với quy chế mới về giao dịch ký quỹ, chúng tôi có đưa ra một số định nghĩa rõ hơn trên tinh thần mới như điều kiện để được phép giao dịch ký quỹ, ví dụ rút ngắn thời gian DN được cấp phép giao dịch ký quỹ từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, tính từ ngày niêm yết đầu tiên. Ngoài ra, với quy chế mới đang dự thảo, các quy định, các điều kiện về tài khoản cũng rõ ràng hơn…
Thưa ông, hoạt động ký quỹ rủi ro có thể phát sinh rủi ro, nhưng tại sao lại quy định điều kiện từ 6 tháng xuống 3 tháng?
Chúng ta quy định như vậy để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu. Rủi ro (nếu có) nằm ở chính cách quản lý của các CTCK. CTCK có thể nhận biết và đánh giá giao dịch của cổ phiếu được cấp phép tỷ lệ ký quỹ. Trên nền tảng đó, nhà đầu tư dựa vào tình hình chung thị trường và đánh giá thật chính xác các cổ phiếu để điều chỉnh tỷ trọng mua- bán phù hợp nhất.
Xin cảm ơn ông!