Sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo/năm sang Băng la đét
Phía Băng la đét đã thông báo việc phía nước này mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5% và tổng số lượng gạo mua của Việt Nam từ nay đến hết năm khoảng 500.000 tấn.
MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 05 năm, từ năm 2017 đến năm 2022. Mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Băng la đét số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Băng la đét được ký lần đầu vào ngày 18/4/2011 tại Hà Nội và có thời hạn đến ngày 31/12/2013. Sau đó, ngày 02/01/2014, hai bên đã ký lại để gia hạn MOU nói trên có hiệu lực tới ngày 31/12/2016.
Theo đó, năm 2011 và năm 2012, phía Việt Nam đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn gạo sang Băng la đét để phục vụ nhu cầu trong nước cho phía bạn. Trong những năm tiếp theo, Băng la đét đã tự túc và sản lượng lúa gạo đã đủ cung cấp cho tiêu thụ nội địa, nên phía Băng la đét chưa đặt thêm vấn đề mua gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 02 năm gần đây, Băng la đét liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước.
Ngay khi có thông tin về nhu cầu của phía Băng la đét, Bộ Công Thương đã khẩn trương trao đổi với phía Băng la đét trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp để xác định cơ hội cụ thể, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến tham gia về nội dung dự thảo và sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chính thức ký MOU này.
Chỉ trong 2 tuần, Băng la đét đồng ý ký kết gia hạn MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ để tiếp tục mua gạo của Việt Nam cũng như việc cử Bộ trưởng Bộ Lương thực sang Việt Nam để ký MOU này đã thể hiện việc phía nước bạn rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.
Phía Băng la đét đánh giá rất cao chất lượng, giá cả cũng như cách thức triển khai hợp đồng, đảm bảo uy tín của DN Việt Nam trong những lần hợp tác trước. Vì vậy, mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như khoảng cách địa lý, phía Băng la đét vẫn quyết định chọn Việt Nam là nước cung cấp gạo cho Băng la đét trong thời gian dài sắp tới.
Hai, ba năm nay, sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn về đầu ra, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giảm cả về lượng và giá trị, báo động sự bấp bênh của xuất khẩu nông sản. 80% trong 11 triệu hộ nông dân có sản xuất lúa gạo, từ chỗ đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo, Việt Nam đang dần dần giảm cả về khối lượng và giá trị gạo xuất khẩu.
Nếu như năm 2016, khối lượng và giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới với con số giảm tương ứng là 25,5% và 20,5% so với năm 2015 thì trong 3 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trong bối cảnh tình hình thị trường tiêu thụ đầu ra còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trong đó tập trung đối với mặt hàng gạo.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm các cơ hội ký kết các thỏa thuận cấp Chính phủ hoặc cấp Bộ nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Bên cạnh những thị trường truyền thống, Bộ Công Thương còn chú trọng tập trung khai thác các thị trường mới, có nhiều tiềm năng, có dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ gạo cao, sức mua ổn định và lâu dài, cơ chế nhập khẩu gạo do nhà nước quản lý theo đầu mối để đặt vấn đề, đàm phán, ký kết MOU về thương mại gạo.
Việc ký kết MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ lần này tạo khuôn khổ thuận lợi cho xuất khẩu gạo bền vững, lấy lại phần nào thị trường xuất khẩu gạo giúp ngành sản xuất lúa gạo trong nước giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các DN và bà con nông dân yên tâm canh tác.
Cũng trong chuyến thăm và làm việc này, hai bên đã ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư về hợp tác ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam như: Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ hai nước; Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam- Băng la đét, Thỏa thuận Thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Băng la đét…
Quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước đã và đang có những bước phát triển bền vững, tích cực trong thời gian gần đây. Năm 2016, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 608 triệu USD, tăng 3,1% so với năm 2015.