Startup Việt và bài toán gọi vốn
Startup phân khúc hẹp | |
Khởi tạo nguồn vốn cho startup Việt |
Từ lúc tìm cách đưa hoạt động khởi nghiệp, giúp tăng tỷ lệ “sống sót” của các startup bằng cách tổ chức chương trình bootcamp (huấn luyện), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang từng bước hình thành với những nỗ lực từ nhiều phía. Nếu như ở giai đoạn đầu, cần phải khuấy động tạo niềm đam mê, gây dựng thành phong trào khởi nghiệp, đặc biệt trong thế hệ trẻ, thì nay là thời điểm kết nối các thành phần này với nhau theo từng ngành, lĩnh vực, tìm kiếm các công ty đối tác với khởi nghiệp.
Tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp giúp startup tìm kiếm nhà đầu tư |
Các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp của các vườn ươm như: Vietnam Silicon Valley (VSV), Vườm ươm DN Công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, Vườm ươm DN Công nghệ cao, Vườm ươm DN phần mềm Quang Trung… đang diễn ra vô cùng nhộn nhịp giúp nhiều startup gọi được vốn, làm tăng tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa sản phẩm. Dường như hoạt động khởi nghiệp đang chuyển sang một thời kỳ mới, cần sự liên kết hỗ trợ của các cấp, các ngành mới hy vọng mở dần cánh cửa gọi vốn cho startup.
Các vườn ươm - cầu nối đưa startup đến được với những cố vấn giàu kinh nghiệm không chỉ tư vấn kinh doanh, tích lũy thêm kinh nghiệm thương trường nhằm giảm thiểu rủi ro, mà quan trọng hơn cả là giúp tìm kiếm nhà đầu tư, gọi vốn cho vòng tiếp theo thông qua việc tổ chức các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator). Đây được coi là hướng đi thuận.
Tuy nhiên, như Wake It Up gọi được vốn nhờ hoạt động nhiệt tình trong các mạng lưới, tham gia các chương trình của giới khởi nghiệp nên có cơ hội quen biết với các nhà đầu tư. Vô hình trung, các mối quan hệ này lại đưa nhà đầu tư tới với Wake It Up!
Bởi ai cũng biết, với những người khởi nghiệp, vốn vô cùng quan trọng, trong khi thị trường tài chính của Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào các ngân hàng thương mại. Còn startup khó đáp ứng được những tiêu chuẩn do các ngân hàng đặt ra. Bên cạnh đó, các startup Việt không thể phát hành trái phiếu, vì theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP, DN không thể phát hành trái phiếu khi chưa có lãi.
Vì vậy, nhiều gợi ý từ nhiều chuyên gia, tổ chức khởi nghiệp quốc tế đề xuất, chẳng hạn như kết nối nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm với các startup, hoặc kết nối DN với các startup, trong khi chờ đợi một sự hoàn chỉnh của các cơ chế, thủ tục dành cho khởi nghiệp sáng tạo. Một người khi bỏ vốn đầu tư cho một DN hoặc một startup trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều họ quan tâm đầu tiên vẫn là sản phẩm đó sẽ phát triển như thế nào? Có thể thương mại hóa không và bằng cách nào? Bao giờ sẽ là điểm hòa vốn và rút vốn?...
Ở vai trò của một nhà ươm tạo, từng tạo đà cho hàng loạt startup “thăng hoa” như Lozi, Torki Kebap… bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Đề án VSV rất sốt ruột với thái độ thờ ơ của các DN Việt khi dòng vốn đổ vào các startup cứ tí tách như cà phê phin! Bà tâm sự, Việt Nam rất thiếu các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm với các khoản đầu tư từ 10.000 - 500.000 USD.
Nếu chậm thay đổi, khi các startup Việt nhận được đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần ngoại hay quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại, sẽ phải thành lập DN ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, nguy cơ chảy máu chất xám, mất người đã đành, cao hơn là mất cả công nghệ, mà nền sản xuất trong nước lại chậm được thay đổi, dẫn đến lạc hậu.
Có thể liệt kê một số vụ đổ vốn đình đám vào các startup Việt như: Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Goldman Sachs đầu tư 28 triệu USD cho Ví MoMo, Got It huy động được 9 triệu USD trong vòng hạt giống và series A từ Capricorn, HelloMam huy động 4 triệu USD từ Công ty quản lý Quỹ SSI hay Toong Co-working space đã nhận đầu tư từ OpenAsia và Indochina Capital…
Được biết, vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital - VC) đổ vào các công ty mới thành lập ở Việt Nam trong năm 2016 đã đạt trên 200 triệu USD. Tuy nhiên, quy mô này vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia.. Do hệ sinh thái khởi nghiệp tại đảo quốc Singapore nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ về vốn. Thậm chí, các quỹ tên tuổi cũng có sự góp vốn của Chính phủ (JFDI, IMJ Fund...).
Nhận thức rõ những điểm nghẽn cản trở khả năng huy động vốn của startup cũng như tạo hành lang pháp lý hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo thuận lợi để nhà đầu tư thiên thần rút vốn… Chính phủ Việt Nam cam kết đưa ra hướng dẫn chi tiết về quy trình thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm vào cuối năm nay.
Một nghị định hướng dẫn thành lập và hoạt động của các quỹ đầu tư theo Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018 sẽ được ban hành kịp thời để không còn hiện tượng luật chờ nghị định. Điều đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV luật hóa được quỹ đầu tư mạo hiểm tạo kênh vốn rất quan trọng cho hoạt động khởi nghiệp của DN, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Đây được coi là tin vui với giới khởi nghiệp Việt và cũng là cách nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 sẽ hỗ trợ cho 2.000 dự án khởi nghiệp, trong đó 100 công ty dự kiến sẽ gọi được tổng vốn lên đến 2.000 tỷ đồng thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm và hoạt động M&A.