Cần tận dụng nguồn lực tốt hơn
Chính sách tiền tệ cần đi trước một bước | |
Chủ động điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng | |
Khi chính sách tiền tệ hỗ trợ tài khóa |
Ông Nguyễn Đức Kiên |
Bất chấp tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi chập, GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt 5,52%. Đâu là dấu ấn chính sách đáng lưu ý, thưa ông?
Tôi cho rằng diễn biến kinh tế như thế là phù hợp với chiều hướng phục hồi tăng trưởng chậm hơn của kinh tế toàn cầu. Một trong những điểm nhấn ở đây mà chúng ta thấy rõ là các chỉ đạo điều hành và phối hợp giữa CSTT và CSTK đã được cải thiện rất nhiều. Thể hiện qua việc trái phiếu Kho bạc phát hành đạt tiến độ và kỳ hạn trái phiếu đã được kéo dài hơn. Nếu so với năm 2015, kỳ hạn trung bình mới đang ở mức 3,7-3,8 năm thì đến bây giờ đã lên 4,9 năm. Đấy là một thành công giúp tạo điều kiện cho kinh tế phát triển ổn định.
Nhưng cũng cần nhìn nhận đến một số biểu hiện có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thời gian tới. Như với tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 7% cho thấy, sức hấp thụ của nền kinh tế có lẽ cũng chỉ đạt ở khoảng đó thôi.
Có thể thấy điều này ở diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) vừa qua, khi vốn đầu tư rót vào thị trường này chỉ ở một mức độ nhất định thì mới có đầu ra, nên vốn vay dù của nhà đầu tư phát triển hay của người vay mua nhà cũng chỉ ở mức độ đó. Đến thời điểm này có thể nhận định rằng, kỳ vọng một động lực từ ngành xây dựng, BĐS để tạo cú huých cho nền kinh tế là khó.
Hay các chỉ đạo gần đây của Chính phủ về công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT phải chặt chẽ, hiệu quả hơn cũng cho thấy hoạt động đầu tư sẽ dừng lại ở một mức độ nhất định chứ không còn tăng như kỳ vọng vào cuối năm ngoái. Trong khi đó 6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp lại tăng trưởng âm. Điều này không chỉ gây tác động giảm đối với tăng trưởng kinh tế mà còn khiến CPI tăng lên vì trong giỏ tính CPI thì nhóm hàng ăn uống, lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng tương đối lớn.
Mối quan hệ tốt nhất sẽ là sự kết hợp giữa DN với các NĐT để cùng chia sẻ cơ hội làm ăn kinh doanh và lợi nhuận. |
Vẫn có những e ngại việc điều hành giá tới đây sẽ góp phần tạo thêm áp lực cho lạm phát?
Nếu điều hành CSTT như 6 tháng đầu năm thì lạm phát nhiều khả năng sẽ dao động quanh 5%. Bởi vì với mức đưa cung tiền M2 ra thị trường như vậy, tăng tín dụng như vậy và với khả năng hấp thụ của nền kinh tế như 6 tháng vừa qua thì khả năng lạm phát mỗi tháng tăng khoảng 0,3% và có thể cao hơn vào các tháng cuối năm.
Việc kiểm soát giá cả, điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu làm sao để tránh cộng hưởng tiêu cực cũng là vấn đề được đặt ra. Nhưng tôi tin rằng, với những kinh nghiệm đã có được từ những năm trước thì các chỉ đạo về việc không tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ của Chính phủ gần đây sẽ được thực hiện nghiêm. Việc điều chỉnh tăng giá những mặt hàng theo lộ trình cần phải được rải đều cho các quý của năm.
Nhưng như ông vừa nói, trong khi khu vực nông nghiệp giảm và khu vực xây dựng hay sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đến ngưỡng như vậy thì mục tiêu tăng trưởng có đạt được?
Tôi tin nếu các chính sách điều hành được đưa ra trong các phiên họp Chính phủ, đặc biệt vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua được triển khai một cách quyết liệt trên thực tế, cùng với đó là xem xét khai thác, tận dụng tốt hơn nữa các nguồn lực thì tăng trưởng sẽ tốt hơn, đồng thời giúp củng cố hơn nữa ổn định KTVM. Đơn cử, vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan vấn đề tái cơ cấu các lĩnh vực trọng tâm (tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các TCTD) mà chúng ta đã đặt ra để phát huy hết các nguồn lực.
Hơn nữa, dù nông nghiệp, xây dựng khó khăn nhưng chúng ta vẫn còn có phần sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá. Và nếu bên dệt may cố một tí, da giày, gỗ cố một chút hay Samsung, Intel… mỗi ngành đều cố gắng một chút thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng tốt hơn so với 6 tháng đầu năm.
Nhiều kỳ vọng lãi suất giảm cũng là cách hỗ trợ tăng trưởng?
Tôi thấy rằng, người đi vay thì muốn vay thật rẻ, bên cho vay thì muốn phải đủ hấp dẫn. Nhưng vấn đề là mọi mong muốn phải được đặt trên nền KTVM của đất nước. Nếu tách ra khỏi nền tảng đó thì tất cả mong muốn sẽ chỉ là chủ quan. Nếu kinh tế phát triển chưa thực sự ổn định, lạm phát quanh 5-6% mà lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn chỉ ở quanh mức đó thì khó có thể huy động được. Nhưng ngược lại, lãi suất có thể giảm xuống được, khi kinh tế phát triển tốt hơn và ngoài thị trường tiền tệ ra, chúng ta thúc đẩy được các thị trường khác như thị trường trái phiếu DN, DN có thêm kênh để vay vốn.
Theo tôi, bản thân DN cũng cần thay đổi phương thức đảm bảo vốn kinh doanh của mình, không chỉ lệ thuộc vào NH mà có thể tìm cách huy động được từ các nguồn khác. Mối quan hệ tốt nhất sẽ là sự kết hợp giữa DN (những người có bí quyết, khả năng kinh doanh) với các NĐT (những người có tiền) để cùng chia sẻ cơ hội làm ăn kinh doanh và lợi nhuận.
Xin cảm ơn ông!