Sửa Luật Dạy nghề phải làm sao tăng được năng suất lao động
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thống nhất cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đề nghị giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ này. Cũng có ý kiến đề nghị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ phân công cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.
Ảnh minh họa
Sở dĩ còn nhiều ý kiến khác nhau như vậy là bởi việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như hiện nay là chưa hợp lý. Giáo dục nghề nghiệp là một bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng hiện đang bị chia đôi và phát triển theo các định hướng khác nhau, khiến cho lĩnh vực này bị phân tách thành 2 hệ thống riêng biệt là dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp, dẫn tới nhiều bất cập. Vì vậy, cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, mặc dù giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tăng thêm gánh nặng cho bộ này. Song Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải thực hiện chức năng đào tạo. Trong khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại làm nhiều việc liên quan tới vấn đề an sinh xã hội. Do đó, nếu giao chức năng quản lý cho Bộ này lại phải đẻ thêm bộ máy quản lý, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có bộ máy này từ lâu.
Còn theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) các trường trung cấp nghề nên giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, còn các trường trung cấp chuyên nghiệp giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, cao đẳng cũng vậy.
Nhiều đại biểu cho rằng, thực tế trước đây, toàn bộ hoạt động đào tạo và dạy nghề cũng đã được giao về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, song trong thời gian dài lĩnh vực này ít được quan tâm đầu tư nên đã không tạo được sự phát triển cần thiết.
Trong khi đó, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong quản lý và phát triển hệ thống dạy nghề thời gian qua, cũng như tạo thuận lợi cho việc gắn kết đào tạo kỹ năng nghề với quản lý lao động và việc làm, một số đại biểu đề nghị giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật.
Theo đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), nên giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm dạy nghề. Bởi hệ thống dạy nghề đang đổi mới khá mạnh mẽ, chú trọng chất lượng cao, theo yêu cầu thị trường, đa dạng đào tạo, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối trong việc dạy và tuyển dụng. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý là hợp lý.
Liên quan tới vấn đề chất lượng đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, cuộc thi tay nghề giữa các nước Asean thì Việt Nam luôn đạt thành tích rất cao. Năm 2014, đoàn Việt Nam đạt giải Nhất với 15 huy chương vàng, Singapore đạt thứ 3. Đây là lần thứ 3 đoàn Việt Nam đạt giải Nhất toàn đoàn, kết quả này ít nhiều phản ánh trình độ tay nghề. Tuy nhiên, theo số liệu của một tổ chức nước ngoài thì năng suất lao động Việt Nam kém Singapore 15 lần.
“Nguyên nhân là do mục tiêu giáo dục dạy nghề chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, phải đặt nhiệm vụ tăng năng suất lao động là yếu tố mấu chốt trong sửa luật lần này”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
Đức Nghiêm