Tài chính vi mô trong phát triển Tài chính toàn diện
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm |
Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô (TCVM) an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 2195).
Trong những năm qua, hoạt động TCVM không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống nhanh chóng trong những năm qua. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng lên, cùng với đó là những cải thiện sức khỏe, giáo dục… mặc dù nguồn vốn cho vay của các TCVM còn rất hạn chế.
Tại tòa đàm, đại diện các tổ chức TCVM gồm tổ chức TCVM TNHH MTV Tình thương (TYM); Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM); Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt Nam (VietED) đã chia sẻ về thực tiễn hoạt động của mình thời gian qua, các nỗ lực đóng góp của các tổ chức này trong hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghèo, các đối tượng yếu thế thông qua các khoản cho vay, các hoạt động giáo dục tài chính… và các khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức này đang gặp phải trong hoạt động thực tiễn. Đại diện các tổ chức TCVM cũng đưa ra các đề xuất, đặc biệt liên quan đến việc hoàn thiện khuôn khổ hệ thống pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động TCVM trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh và Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại Lễ trao giải thưởng |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tọa đàm này là cơ hội để mỗi chúng ta, dù là các cơ quan quản lý nhà nước hay các hiệp hội đoàn thể hay các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực TCVM có thể đề xuất, trao đổi về những sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển TCVM như một trụ cột quan trọng hướng tới phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về an sinh xã hội và đoàn kết cộng đồng, xã hội.
Theo Phó Thống đốc, trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, TCVM đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo. Đối tượng khách hàng của TCVM chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân, người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác.
Do vậy, thúc đẩy sự phát triển của TCVM có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Sự phát triển của TCVM cũng hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, qua đó đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình chung về phát triển tài chính toàn diện của quốc gia. TCVM và tài chính toàn diện đều đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực, tiếp cận tài chính và phát triển các chính sách bảo vệ khách hàng, qua đó cải thiện điều kiện sống và loại bỏ những hạn chế mà hộ gia đình nghèo, yếu thế đang phải đối mặt.
Để xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển tài chính toàn diện, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững thì vấn đề đặt ra hiện nay là cần xây dựng được một hành lang pháp lý, một cơ chế chính sách rõ ràng, đầy đủ cho hoạt động của các tổ chức TCVM trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong năm 2019, TCVM được coi là một trong những trọng tâm trong hoạt động tăng cường quản lý với vai trò quản lý chuyên ngành của NHNN và tăng cường quản lý với vai trò quản lý Nhà nước của các chính quyền địa phương cũng như của các Bộ, ngành khác, cùng với đó là các cơ chế chính sách để hỗ trợ TCVM phát triển theo mục tiêu, tôn chỉ hoạt động và trong khuôn khổ pháp luật cũng như trong điều kiện và hoạt động sắp xếp hệ thống các tổ chức tín dụng một cách hợp lý.
Ngay sau buổi Tọa đàm đã diễn ra Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi- Việt Nam (CMA) 2018. Đây là chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp vinh danh những tấm gương điển hình là những người nghèo đã sử dụng vốn vay vi mô hiệu quả để vươn lên và đạt được những thành công trong cuộc sống, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình thành công của mình trong sản xuất kinh doanh cho cộng đồng.