Tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn: Đang cần thêm những cú hích
Vốn ngân hàng ở nơi giao thương lớn nhất miền Tây Bắc | |
Trợ lực cho kinh tế xanh phát triển bền vững | |
Thanh toán biên mậu: Đòn bẩy cho kinh tế cửa khẩu |
Kênh dẫn vốn hiệu quả
Nhìn lại 30 năm đổi mới của đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn (NNNT) đạt được những kết quả hết sức quan trọng tạo nên thành tích đột phá góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu khủng hoảng, kinh tế NNNT là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế góp phần ổn định chính trị, xã hội.
Đạt kết quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách đầu tư phát triển cho tam nông, theo đánh giá của ông Lại Xuân Môn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam không thể không nhắc tới vai trò hết sức quan trọng của Agribank.
Xây dựng chuỗi liên kết là hướng đi cần thiết gia tăng giá trị sản phẩm nông sản của Việt Nam |
Tổng dư nợ cho vay của Agribank đến thời điểm này đạt trên 700.000 tỷ đồng, trong đó 70% dư nợ cho vay lĩnh vực NNNT của Agribank chiếm tỷ trọng 50% vốn tín dụng của hệ thống NHTM cung ứng cho tam nông. “Qua đó có thể khẳng định một lượng vốn rất lớn từ Agribank chảy vào khu vực NNNT, đóng góp tích cực hỗ trợ kinh tế NNNT có những khởi sắc, công cuộc xóa đói giảm nghèo đẩy lùi. Và đây cũng là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của Việt Nam được một số tổ chức đánh giá cao”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho biết, đến thời này đã có khoảng 200 nghìn phụ nữ tiếp cận nguồn vốn từ Agribank. Theo Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, tất cả nguồn vốn vay này chị em phụ nữ sử dụng khá hiệu quả như thay đổi mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Một số tỉnh thực hiện tốt như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Tây Ninh, Bình Thuận. Tỷ lệ nợ xấu cho vay phụ nữ cũng rất thấp.
Để có được kết quả tích cực trên, kể từ năm 1999 Agribank đã ký kết Nghị quyết Liên tịch 2308 với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Liên tịch số 02/NQLT/2000 ngày 05/10/2000 với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm tạo ra kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả cho NNNT, giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo và có cơ hội làm giàu trên quê hương.
Song, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến văn bản thỏa thuận liên ngành số 799 ngày 19/10/2010 giữa Agribank với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và văn bản thỏa thuận số 15 ngày 15/11/2010 phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kịp thời triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển tam nông
Thành viên HĐTV Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện thỏa thuận giữa Agribank với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ đang hoạt động và trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỷ đồng. Bình quân mỗi tổ có 23 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý 995 triệu đồng.
Một số chi nhánh cho vay qua tổ đã hình thành kênh dẫn vốn hiệu quả tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách thuận lợi và có hiệu quả. Nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với NH. Khi cho vay qua tổ, ngoài giám sát của cán bộ tín dụng, các tổ trưởng theo dõi đôn đốc hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, đồng thời phản ánh kịp thời những vướng mắc, khó khăn tới các chi nhánh Agribank. Do đó, tỷ lệ nợ xấu cho vay qua tổ thấp chỉ chiếm 0,2%, trong khi lãi thu được khá cao.
Cần có thêm cú hích
Tuy đạt được những kết quả quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu nền nông nghiệp, nhưng theo ông Lại Xuân Môn đến thời điểm này chỉ có 10 tỉnh triển khai phối hợp tốt như Nam Định, Thanh Hóa… 43 tỉnh khác tuy đã ký nhưng tỷ lệ dư nợ chưa cao. Ngoài ra, vẫn còn 10 tỉnh chưa ký kết liên tịch giữa Hội Nông dân tỉnh với các NH.
Đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế sâu rộng… ông Lại Xuân Môn cho rằng, người nông dân cần được tiếp cận nhiều nguồn vốn hơn. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng nguồn vốn cho vay đối với Hội Phụ nữ chưa tương xứng với tiềm năng.
“Hiện tại mới có 200 nghìn phụ nữ được tiếp cận vốn vay của Agribank, trong khi Hội Phụ nữ có gần 16,5 triệu hội viên, cho thấy nhu cầu vay vốn NH còn rất cao. Thủ tướng cũng vừa đồng ý chủ trương đề án hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong đề án sẽ hỗ trợ 60 nghìn phụ nữ khởi nghiệp. Đây là lượng khách hàng tiềm năng của Agribank”, bà Hà thông tin thêm.
Về phía NH, ông Tiết Văn Thành thừa nhận là có những tỉnh tăng trưởng dư nợ khá tốt nhưng cũng có những tỉnh chưa được tốt, chưa tương xứng với tiềm năng. Nắm bắt nhu cầu cao hơn nguồn vốn, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc Agribank và Trung ương Hội Nông dân việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ký lại thỏa thuận giữa hai bên về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển NNNT.
Một điểm đáng chú ý trong thỏa thuận lần này được đại diện Agribank chia sẻ: mặc dù là thỏa thuận nhưng đưa vào mục đích với chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm như mỗi năm tăng 25% dư nợ cho Hội Nông dân và 30% đối với Hội Phụ nữ. Thỏa thuận cũng đề cập đến vai trò của tổ vay vốn và trách nhiệm, quyền lợi thể hiện rất rõ ràng.
Mục đích của việc ký kết thỏa thuận liên ngành lần này được ông Thành nhấn mạnh: hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình là hội viên Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vay vốn và sử dụng các dịch vụ tại Agribank để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đồng thời cũng là cơ hội giúp cho hội viên Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Ngoài ra, ông Thành cũng tiết lộ, Agribank đang trình NHNN Đề án thành lập NH lưu động nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn, giảm bớt chi phí cho cả NH lẫn người sử dụng nhất là ở vùng sâu, xa.
Ông Lại Xuân Môn hy vọng qua thỏa thuận liên ngành với những thay đổi lượng hóa sẽ có luồng gió mới, khai thông nguồn vốn phấn đấu mỗi năm đạt 25-30% tổng dư nợ Hội Nông dân Việt Nam. Ngoài ra, ông đề xuất Agribank cần thông thoáng hơn về mặt thủ tục để người dân được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn.
Về phía Hội Liên hiệp phụ nữ cũng mong muốn sự hỗ trợ tích cực hơn của Agribank để có giải pháp quyết liệt, sâu sát hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho chị em tại các địa phương khi vay vốn theo mô hình liên kết, cho vay khởi nghiệp… Hiện tại mới có 30 tỉnh thành có sự kết nối giữa Hội Phụ nữ với NH. Bà Hà mong muốn trong giai đoạn tới sự kết nối sẽ lan tỏa ra cả 63 tỉnh thành.