Tài xế Uber lo chuyển đổi hình thức kinh doanh
Grab cảnh báo tình trạng lợi dụng đồng phục GrabBike bắt khách | |
Vụ Grab thâu tóm Uber: Vẫn còn nhiều DN triển khai ứng dụng công nghệ | |
Grab thâu tóm Uber: Độc quyền thời công nghệ? |
Cuối cùng thì Uber đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam. Đón chờ sự kiện này, nhiều tài xế Uber đã lo chuyển đổi hình thức kinh doanh từ ngay khi có thông tin về việc sáp nhập giữa hai hãng này.
Ảnh minh họa |
Anh Nguyễn Minh Thành (Hà Nội), một tài xế Uber cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin hai hãng Uber và Grab sáp nhập với nhau, tôi đã phải tìm hiểu chính sách của Grab và một số hãng taxi để tìm hướng kinh doanh mới. Qua tìm hiểu, tôi thấy chính sách của Grab chưa được ổn thỏa khi tính phí quá cao, ở mức 28%/doanh thu. Xe mình, xăng mình chịu, công mình chạy mà phải trả lại tới 28% thì làm sao đủ chi phí mà chạy, rồi còn kiểm định, phí đường bộ, bảo hiểm... Đưa xe vào hãng taxi thì quá nhiều thủ tục và ràng buộc không được thoải mái như khi chạy Uber. Tôi đang tính đưa xe cho khách thuê song còn e ngại khách đi không giữ gìn, doanh thu không đảm bảo”.
Chị Nguyễn Phương Hoa thì như “ngồi trên đống lửa” bởi cuối năm ngoái thấy việc lái xe Uber có hiệu quả kinh tế, chị với chồng dốc hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng đầu tư thêm 2 chiếc xe để chạy Uber.
“Bình quân mỗi xe chạy cho Uber chúng tôi thu nhập được khoảng 10 – 12 triệu/tháng sau khi trừ lãi và tiền thuê lái xe. Tất cả đang hoạt động ổn định thì Uber rút khỏi Việt Nam, hiện tôi và chồng đang rao bán bớt xe đồng thời tìm hướng kinh doanh mới. Trước mắt chồng tôi đăng ký chạy xe cho mấy công ty lữ hành. Thế nhưng nguồn này phụ thuộc nhiều vào khách, không đảm bảo như khi chạy Uber. Tôi cũng đang hy vọng sự ra đời của nhiều hãng xe công nghệ mới mang thương hiệu Việt Nam bởi các công ty mới ra đời sẽ cần xe nhiều hơn, chế độ hậu mãi tốt hơn để thu hút xe và khách đi xe. Vì thế chờ đợi có lẽ là giải pháp tốt nhất thời điểm này. Trong khoảng thời gian “trống” này tôi sẽ chạy xe theo dạng hợp đồng, cùng với đó là tiết giảm các khoản chi để đảm bảo đời sống”, chị Hoa chia sẻ.
Ngay sau thông tin Uber rút khỏi Việt Nam, nhiều công ty trong nước đã nhanh chóng giới thiệu sản phẩm gọi xe thông minh của mình. Một trong những ứng dụng thu hút lượng tải về đông đảo gần đây chính là ứng dụng VATO.
Với sự hỗ trợ từ hãng xe Phương Trang, VATO không chỉ là ứng dụng gọi xe mà sẽ tích hợp nhiều chức năng đi kèm, tạo thành một hệ sinh thái các ứng dụng, bao gồm thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng…
Tương tự, gia nhập đội ngũ taxi công nghệ ngay sau khi Uber rút khỏi Việt Nam thì T.NET cũng tung ra chiêu khuyến mãi để kéo khách hàng về phía mình bằng cách miễn phí 70% trong hai chuyến đi đầu tiên, tối đa 80.000 đồng cho các hành khách tải ứng dụng mới nhất. Khách hàng sẽ được giảm ngay 40% trong 3 chuyến, tối đa 90.000 đồng khi nhập mã T.NET. Ngay từ khi ra mắt, xem ra T.NET đang được lòng của rất nhiều người, trong đó có cả cánh tài xế và những người có nhu cầu đi taxi giá rẻ bởi chế độ đãi ngộ và các chương trình khuyến mãi, thái độ phục vụ.
Cùng với sự ra đời của hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ mới như VATO, T.NET, Di Đi… các ngân hàng cũng đang xem xét để có thể trợ giúp khách vay mua xe chạy dịch vụ Uber chuyển đổi kinh doanh một cách tốt nhất.
“Chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ khách hàng vay mua ô tô để chạy dịch vụ. Với những khách hàng có khó khăn thật sự do Uber dừng hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi sẽ có trợ giúp cụ thể như giãn kỳ trả nợ, ưu đãi giảm lãi suất… để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ giới thiệu để khách hàng chuyển đổi mục đích kinh doanh sang chạy hợp đồng, chạy dịch vụ cho các đối tác của ngân hàng có nhu cầu thuê xe”, lãnh đạo một ngân hàng lớn chia sẻ.
Cánh cửa Uber đã đóng lại đối với nhiều tài xế Việt, song không ít trong số đó không muốn chuyển qua Grab mà lựa chọn những đường đi mới. Thế nhưng lựa chọn cánh cửa nào tiếp theo để đảm bảo đời sống, mưu sinh là lựa chọn của mỗi cá nhân.